Chuyện về chị bán vé số tình nguyện hiến xác cho y học
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:35, 22/03/2017
Trưa ngày 18.3, theo hướng dẫn của UBND xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, chúng tôi tìm đến nơi sinh sống của chị Lê Thị Hồng Thắm (SN 194, ngụ ấp 5, xã Thạnh Đức) để tìm hiểu lý do vì sao chị lại tình nguyện hiến xác cho y học khi qua đời.
Đi dọc theo con đường kênh nối liền ấp 4 và 5, xã Thạnh Đức, cách trụ sở chính quyền xã khoảng 700 m, chúng tôi rẽ vào con đường đất nhỏ sau đó đi thẳng ra cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Tiếp tục vòng qua con hẻm cụt lầy lội, căn nhà xây tường chưa tô xi măng khá nhỏ hiện ra trước mặt.
Cạnh bên nhà là mấy ngôi mộ của người thân. Có mặt tại đây mới thấy cuộc sống nghèo khổ của người phụ nữ sống bằng nghề bán vé số dạo. Anh Nguyễn Văn Mơ (SN 1965, chồng sau của chị Thắm) chạy xe ôm ở chợ thị trấn Bến Lức tiếp chúng tôi với gương mặt phờ phạc đầy vẻ mệt mỏi. “Vợ tôi đi bán vé số ở phường 5, TP.Tân An tối mới về. Bệnh hoạn như vậy nhưng có nghĩ ngày nào đâu. Làm đồng nào xào đồng nấy thôi mà”, anh Mơ cho biết.
Gia đình nghèo nên học chưa hết cấp 1, chị Thắm đã bắt đầu lo toan cho cuộc sống. Làm đủ nghề, tìm đủ việc nhưng cuối cùng chị chọn nghề duy nhất tồn tại đến bây giờ là bán vé số. Cùng nghề nhưng nhiều phụ nữ khác đi xe máy, xe đạp điện... còn gia cảnh chị quá nghèo nên “cuốc bộ” mỗi ngày hơn 20 km để bán 150 tờ vé số.
Theo anh Mơ, vợ bán hết thì kiếm lời được 150 ngàn đồng/ngày nhưng mua thuốc men để uống xem như "ngày nào xào ngày đó". Còn anh chạy xe ôm, ngồi chơi nhiều hơn chạy. "Hôm nào kiếm được chừng 100.00 đồng mua thịt cá về nấu cho vợ bữa cơm ngon còn không thì cứ rau, nước mắm mà ăn", anh kể tiếp. Dù cuộc sống cơ cực là vậy nhưng chưa bao giờ vợ chồng chi Thắm nản chí. Cả hai đều quyết tâm làm nghề chân chính để khỏi ảnh hưởng tới người thân.
Do hàng ngày đi nhiều, tiếp xúc nhiều, chi Thắm đã từng chứng kiến cảnh đau lòng của người đi đường bị tai nạn giao thông, căn bệnh hiểm nghèo chưa có thuốc điều trị, thiếu nội tạng để thay thế cứu người bệnh và giúp nhà khoa học nghiên cứu. Nghĩ đến điều đó, chị về bàn với anh Mơ: “Mình chết chôn cũng vậy. Nếu sau này tôi bệnh nặng có mất thì hiến thi thể cho y học nghen”. Nghe vợ nói như vậy, anh Mơ không khỏi giật mình. "Tại sao vợ lại suy nghĩ lạ đời". Nhưng rồi nhiều đêm nằm tâm sự, anh mới nhận ra đó là cách nhìn đúng của vợ mình. Và rồi, anh Mơ đã đồng ý theo ý định của chị Thắm.
Căn nhà của vợ chồng chị Thắm
Một ngày đầu tháng 3.2017, chị Thắm quyết định viết lá đơn tình nguyện hiến xác thông qua UBND xã Thạnh Đức để gửi đến bộ môn Giải phẫu học, Trường Đại học Tân Tạ (ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Chị Thắm không chút phân vân nói rất rõ, xác của mình là để cho y học nước nhà, giúp cho các em sinh viên học tập, nghiên cứu thực tế, còn đem chôn đi là hết.
Được biết, người con gái duy nhất của chị Thắm có chồng ở riêng cũng đồng tình với nguyện vọng này: "Dù sao đi nữa mẹ quyết định điều đó xem như là giúp ích cho y khoa, hiện tại sức khỏe bà rất tốt nên tôi tin thời gian sống còn dài và vẫn còn ở bên con cháu".
Trưa ngày 20.3, chúng tôi gặp chị Thắm tại khu vực đường tỉnh 833 (thuộc phường 5, TP. Tân An) trên tay chỉ còn vài tờ vé số. Chị cười tươi cho biết "Bán xong, ghé phụ đứa em ở đây chiều mới về. Khi biết mình hiến xác, nhiều người cảm thông và giúp đỡ bằng cách giúp mua vé số..".
Minh Thư (CA TPHCM)