Đường sắt trên cao tạo cú hích mới cho các dự án bất động sản
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 09:08, 25/03/2017
Tâm điểm ở các dự án xanh
Chiều 24.3, trong cuộc họp báo tổng quan về thị trường văn phòng, CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung văn phòng trong năm 2017 tiếp tục tăng trưởng, nâng mức tổng cung lên 1,2 triệu m2, trong đó, hạng B chiếm 66%. Sự thống trị của hạng B tiếp tục được củng cố khi trong quý I dự án Horison đi vào hoạt động, cung cấp thêm 10.575 m2. Điều này khiến tỷ lệ trống tăng thêm 0,2 % so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến trong 3 năm tới, thị trường sẽ đón nhận thêm 310 nghìn m2 nguồn cung mới. Riêng năm 2017 đón 135 nghìn m2. Còn 2 năm tiếp theo, nguồn cung đạt 175 nghìn m2, trong đó chiếm 2/3 là tòa tháp Vietinbank Tower tại khu đô thị Ciputra (khoảng 100 nghìn m2).
Đặc biệt, theo CBRE, diện tích trung bình thuê của khách thuê đã tăng lên đáng kể. Nếu trước kia diện tích trung bình thuê tại Hà Nội dao động từ 250 – 350 m2 thì nay đã tăng lên 350 – 500 m2.
Tổ chức này cũng cho hay, thời gian qua tòa nhà có chứng nhận xanh/chứng nhận LEED đang là tâm điểm thảo luận của các nhà đầu tư, bởi vì các tổ hợp thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lương không chỉ giúp giảm thiểu mức tiêu thụ tiện ích chung mà còn cải thiện sức khỏe và hiệu suất làm việc của khách hàng.
CBRE cũng nhấn mạnh, để đạt được tiêu chuẩn này, nhà đầu tư cần có kế hoạch nghiêm túc với sự tư vấn chuyên nghiệp cần thiết. Do quá trình sẽ có sự can thiệp sâu sắc trong mọi khía cạnh trọng yếu của tòa nhà như phối cảnh, xử lý năng lượng và nước, làm nội thất… các nhà đầu tư được đề xuất sử dụng tư vấn chiến lược từ những bước khởi đầu của dự án.
Tại Việt Nam, mô hình này đã được giới thiệu thành công tại TP.HCM với một số tòa nhà tiêu biểu như Deutsches Haus và Mapletree Business Centre.
Cú hích nhờ đường sắt trên cao
CBRE nhận định, tuyến đường sắt trên cao sẽ hỗ trợ về giá trị đối với các bất động sản chạy dọc tuyến đường, bởi vì lượng phương tiện cá nhân đang áp đảo, là thách thức không nhỏ cho các đô thị Đông Nam Á. Lĩnh vực phản ứng mạnh nhất đối với các mạng lưới tàu trên cao được dự báo là các căn hộ chung cư.
Nghiên cứu chuyên sâu ở các quốc gia trên thế giới cho thấy, tại Anh, giá trị bất động sản lân cận tuyến đường này đã tăng 2%; ở Thái Lan, các dự án khu vực đường tàu phát triên sôi động hơn ở các khu vực khác với giá tăng từ 16% cho các dự án văn phòng và 20% cho các dự án nhà ở.
Tuy nhiên, CBRE nhận định, việc tăng giá không có mẫu số chung mà phụ thuộc vào từng thành phố, vị trí tòa nhà. Kể từ khi tuyến đường sắt trên cao được xây dựng và ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy sắp hoàn thành (như đưa các toa xe lên vào trung tuần tháng 2 vừa qua, dự kiến chạy thử vào tháng 10 tới), đã có khá nhiều dự án được mọc lên xung quanh.
Theo đó, tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội được hoàn thành sẽ kết nối khu vực dân cư đông đúc Hà Đông với cửa ngõ vào trung tâm Cát Linh, cho phép lưu thông nội đô dễ dàng, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển.
Tại Hà Nội, dọc tuyến Cát Linh – Hà Đông có thể đếm được hàng chục dự án, còn tại TP.HCM, tại quận 2, khu Thảo Điền, CBRE thống kê có tới hàng trăm dự án gồm đủ loại cao cấp, trung cấp…
Bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Công ty CBRE Việt Nam cũng cho rằng, tuyến đường sắt trên cao cũng gây ra một số bất lợi, chẳng hạn như tiếng ồn lớn do lưu lượng phương tiện tăng cao. Tuy nhiên, những lợi ích thu được vượt xa sự bất tiện này.
Hoài Phong