Chính người nhập cư là yếu tố khiến kinh tế Mỹ mạnh hơn?
Quốc tế - Ngày đăng : 08:32, 26/03/2017
Nhập cư là một trong những chủ đề được quan tâm nhất tại Mỹ ở thời điểm hiện tại, vàthực tế nó vẫn luôn là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế số một thế giới từ trước tới nay.
Tổng thống Ronald Reagan – người được xem là thần tượng của Tổng thống Trump hiện nay – sau khi nhậm chức đã ký một sắc lệnh ân xá cho những người nhập cư bất hợp pháp và mở rộng chính sách tự do về nhập cư tại Mỹ.
Tổng thống George W. Bush đã cố gắng thực hiện một chính sách tương tự nhưng đã không thành công: xu hướng giảm dần số lượng người nhập cư vào Mỹ bắt đầu quay trở lại. Và ở thời điểm hiện tại, khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chứcthì ngay cả nhập cư hợp pháp cũng thuộc diện đối tượng cần phải xem xét giảm bớt.
Đó có thể sẽ là một sai lầm lớn. Một thực tế là dòng người nhập cư luôn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ thông qua việc hỗ trợ thay thế những người lao động về hưu đang có xu hướng gia tăng, đồng thời sự năng động của người nhập cư cũng sẽ giúp thúc đẩy năng suất tại các doanh nghiệp Mỹ.
Những người phản đối ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh có vẻ như đã không chỉ phóng đại mối đe dọa về văn hóa từ người nhập cư, mà còn phóng đại cả mối đe dọa về pháp luật, đó là lý do vì sao lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đã giảm đi đáng kể trong vòng một thập kỷ trở lại đây.
Vậy những mối đe dọa về kinh tế từ phía những người nhập cư cụ thể là gì?
Không ít người dân Mỹ dù không lo ngại về các mối đe dọa về văn hóa hay pháp luật vốn vẫn được một số nhà lãnh đạo cổ xúy, nhưng vẫn sẽ có lo lắng về sự cạnh tranh công việc và mức lương với những người nhập cư vốn thường là chăm chỉ hơn. Đó là một tâm lý khá phổ biến chủ yếu dựa vào những suy nghĩ cảm tính về quy luật cung cầu: nếu ngày càng có nhiều người lao động hơn thì công việc sẽ khó kiếm hơn và lương bổng sẽ khó có thể tăng cao hơn.
Trên thực tế đây là điều có thể xảy ra. Thực tế cho thấykhi nguồn cung lao động tăng lên do nhập cư, thì các doanh nghiệp thường có xu hướng tận dụng sự dư thừa đột ngột này.
Tuy nhiên ở Mỹ thì người nhập cư thường có xu hướng thành lập các doanh nghiệp mới với tỷ lệ khá cao và chính họ tạo ra công ăn việc làm chứ không phải là lấy bớt đi. Nếu tỷ lệ mở rộng kinh doanh theo kịp được với tỷ lệ nhập cư, cũng sẽ đồng nghĩa với việc mức lương cơ bản sẽ không giảm đi như nhiều người vẫn nghĩ.
Nếu những người nhập cư lại thuộc tầng lớp sáng tạo và có vốn, tiền lương dành cho người bản xứ thậm chí còn có thể tăng lên. Nó sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng lớn hơn đối với các loại công việc chuyên môn có thu nhập cao hơn cho người dân Mỹ như kỹ sư, bác sĩ hay các nhà nghiên cứu.
Điều này đồng nghĩa với cơ hội kiếm được những công việc lương cao cho người dân Mỹ ngày càng nhiều hơn. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp công nghệ cao luôn là những động lực mạnh mẽ cho việc đổi mới nền kinh tế. Ngoài ra, người nhập cư có trình độ cao sẽ giúp nâng lương cho các lao động bản xứ có tay nghề thấp, vì họ làm tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ do tầng lớp lao động cung cấp.
Điều này có nghĩa là, trên thực tế các tác động tiêu cực từ những người nhập cư trình độ thấp lên tiền lương của lao động bản xứ có thu nhập trung bình - thấp là việc có thật, nhưng ở mức độ ít hơn nhiều so với dự đoán. Ngược lại, tác động tích cực từ người nhập cư trình độ cao lên tiền lương của lao động bản xứ là điều chắc chắn sẽ diễn ra.
Báo cáo mới nhất của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ về tác động kinh tế của người nhập cư đang chứng minh cho thực tế này: trong khoảng 10 năm trở lại đây ảnh hưởng của người nhập cư lên tiền lương của lao động bản địa Mỹ nói chung chỉ ở mức rất thấp, có rất ít bằng chứng cho thấy người nhập cư ảnh hưởng đến số lượng việc làm của người dân bản địa.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy tác động tiêu cực từ người nhập cư là rất khiêm tốn: giả sử Mỹ nâng tỷ lệ lao động thêm 7,5% bằng cách cho phép người nhập cư có trình độ thấp – khoảng 12 triệu người và tương đương với toàn bộ số người nhập cư bất hợp pháp đang sống tại Mỹ hiện nay – thì nó cũng sẽ chỉ khiến mức lương của những lao động Mỹ có trình độ thấp (không có bằng phổ thông trung học) giảm khoảng từ 0,75% đến mức cao nhất là 12,75%.
Rõ ràng đó không phải là một tác động lớn đối với nền kinh tế Mỹ, và chủ yếu chỉ nhắm đến đối tượng những người lao động Mỹ có trình độ thấp và dễ bị tổn thương kinh tế nhất mà thôi. Điều này có thể giải quyết bằng cách hạn chế người nhập cư có trình độ thấp để bảo vệ người lao động bản địa Mỹ.
Với những người nhập cư có trình độ cao thì lại là một câu chuyện khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra một thực tế rằng, người nhập cư trình độ cao là một món quà quý hơn vàng đối với nền kinh tế Mỹ khi nó giúp cải thiện đáng kể cả mức lương lẫn cơ hội việc có thu nhập cao cho người lao động Mỹ.
Nói cách khác, nếu Mỹ cho phép các kỹ sư, lập trình viên và nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí là Cameroon thì nó sẽ giúp tăng lương cho các nhân viên công nghệ và cả những nhân viên dịch vụ, đồng thời tạo ra thêm rất nhiều công ăn việc làm mới cho toàn xã hội.
Đây là một tin tốt, vì xu hướng nhập cư vào Mỹ đang nhanh chóng chuyển hướng sang đối tượng người lao động có trình độ cao ngay cả khi không có bất cứ sự thay đổi nào về mặt chính sách từ phía chính phủ Mỹ. Ở hầu hết các bang, người nhập cư mới gần như đã không còn là người lao động ít học từ Mexico nữa, mà là những trí thức và người lao động có học vấn cao từ châu Á.
Điều này đồng nghĩa với việcgiai đoạn người nhập cư cạnh tranh việc làm với người bản địa Mỹ đã qua, và giờ đây sự xuất hiện của tầng lớp người nhập cư mới lại đang đem đến công việc và thu nhập cao hơn cho người lao động Mỹ.
Ngăn chặn xu hướng này với một thái độ bài ngoại,thông qua các rào cản pháp lý hay những lời kêu gọi hùng hồn sẽ đều mang lại những hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)