Hà Nội: Giải phóng đất Hồ Tây giao cho doanh nghiệp tư nhân, đền bù 1,5 triệu/m2
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:41, 25/03/2017
Lập chốt giữ đất vì mức đền bù thấp
Để thực hiện dự án Công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư, khu đất trồng quất cảnh rộng 1,8ha ở địa thế rất đẹp của 56 hộ dân thuộc tổ 8, phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) được đưa vào diện thu hồi. Tuy nhiên, suốt từ năm 2011 đến nay, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong mức đền bù.
Bà Nguyễn Hồng Thủy, tổ trưởng tổ 8 phường Quảng An cho biết, mức bồi thường được thành phố tính theo công thức: 1m2 = tiền đơn giá 252.000 đồng + tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề (5 x 252.000 đồng) + tiền hỗ trợ ổn định đời sống (30kg gạo x 4.500 đồng x số người x số tháng) + tiền thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng (3.000 đồng/m2). Tổng cộng tiền bồi thường chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/m2.
“Mức giá này quá thấp, không tương xứng với vị trí “vàng” của khu đất và nhiều vấn đề đi kèm khác. Người dân đề nghị được hỗ trợ thêm 30% giá đất trung bình vị trí 3 tại khu vực, chi phí chuyển đổi nghề, công tôn tạo đất và 5 năm sinh lợi từ quất cảnh . Hơn nữa, đây là dự án thương mại, chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân nên người dân mong muốn được thỏa thuận giá đền bù với chủ đầu tư”, bà Thủy nói.
Mâu thuẫn tiếp tục dâng cao khi ngày 17.3 vừa qua, UBND quận Tây Hồ quyết định cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của người dân tại khu đất 1,8ha nói trên. Theo phản ánh của các hộ dân, lực lượng cưỡng chế ngoài việc giật sập các lán, lều trông vườn còn phá bỏ hoa màu, mương nước, cây lâu năm của người dân. Thậm chí, trong đêm mưa hôm đó, một trận hỏa hoạn bất ngờ xảy ra, thiêu trụi những cây cối bị chặt bỏ, dù chúng còn rất tươi và đất ẩm.
Trước tình hình đó, người dân quyết định sắm trống, kẻng, thay phiên nhau túc trực ở khu đất cả ngày lẫn đêm, ngăn không cho lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm.
Mất kế sinh nhai
Bà Thủy chia sẻ thêm, diện tích khu đất này ngày xưa là ao sâu, thùng vũng, được HTX nông nghiệp Quảng An giao cho xã viên canh tác. Các hộ dân bỏ rất nhiều tiền của, công sức cải tạo, đắp thành đất vườn để trồng quất như hôm nay. Hơn nữa, quất là cây trồng có giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập thường xuyên và duy nhất của các hộ dân ở đây. Mỗi sào quất có thể mang về 350-500 triệu mỗi năm.
Bên cạnh đó, đây là khu đất có vị trí rất đẹp nằm ở cuối đường Đặng Thai Mai, xen kẽ giữa khu đấu giá 1,3ha (đất ở) và mặt đường dạo kè hồ Tây; hai phía còn lại giáp trục chính vào khu vực Ban quản trị Tài chính Trung ương và đường vào Phủ Tây Hồ. Riêng trong địa phận Tây Hồ, phường Quảng An cũng là nơi có giá đất cao hơn các khu vực khác nên không thể cào bằng mảnh đất này như các nơi khác được.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với với cơ quan có thẩm quyền nhưng mức đền bù GPMB hiện nay chưa thỏa đáng. Nguyện vọng của người dân là cơ quan chức năng hãy xem xét nguồn gốc, công sức cải tạo, giá trị kinh tế… khu đất để có đánh giá chính xác những tác động đến cuộc sống của người dân bị thu hồi đất, đưa ra chính sách bồi thường đúng đắn cho người dân”, bà Thủy nói.
Đáng nói, trong công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND quận Tây Hồ cũng đề nghị Sở này báo cáo UBND Thành phố Hà Nội cho phép phê duyệt hỗ trợ khác cho các hộ dân có tên trong sổ bộ thuế, có đất thuộc chỉ giới thu hồi dự án được hỗ trợ 30% giá đất trung bình vị trí 3 của khu vực. Lý do là khu đất này có vị trí đẹp, các hộ dân trông quất cảnh có giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập thường xuyên, hàng năm của người dân.
Sở TN-MT Hà Nội cũng đồng tình với kiến nghị này của UBND quận Tây Hồ và điều này được thể hiện trong các công văn gửi đến UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ban chỉ đạo GPMB thành phố thì kiến nghị này không có cơ sở xem xét, bởi vì tại dự án chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ nào được phê duyệt. Vì vậy, căn cứ Khoản 4 Điều 34 Nghị định 47/2014/ NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ, việc kiến nghị bồi thường, hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình vị trí 3 tại khu vực là không có cơ sở.
Có cở sở đòi mức hỗ trợ 30% giá đất ở vị trí 3 của khu vực
Trước thông tin trên, người dân cho rằng việc các cơ quan cho rằng tại dự án chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ nào được duyệt trước ngày 1.7.2014 là hoàn toàn sai, bởi vì ngay từ ngày 27.8.2013, UBND quận Tây Hồ đã ban hành phương án tổng thểvề bồi thường, tái định cư để thực hiện dự án. Đồng thời, ban hành quyết định hành chính số 2579/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án.
Theo các hộ dân, quan điểm UBND quận Tây Hồ chưa thiết lập hồ sơ GPMB hoàn chỉnh cho các hộ dân là không phù hợp, bởi vì dù người dân không hợp tác nhưng cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện điều tra, khảo sát xong từ năm 2013, ban hành phương án tổng thể và Quyết định phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ cho người dân từ ngày 27.8.2013, tức là trước ngày 1.7.2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực). Thậm chí, tường hợp còn vướng mắc thì cơ quan có thể phúc tra, bổ sung kiểm đếm tài sản và lập phương án bổ sung.
Bên cạnh đó, người dân cho biết, quan điểm cho rằng nếu áp dụng chính sách hỗ trợ khác với mức 30% giá đất ở vị trí 3 của khu vực sẽ ảnh hưởng đến chính sách GPMB nói chung của thành phố là khiên cưỡng. Ngay tại cuộc họp ngày 1.11.2016, các cơ quan liên ngành cũng xác định khu đất thu hồi là “có địa thế đẹp” nên không thể so sánh với các thửa đất vị trí khác trong thành phố.
Theo Khoản 5, Điều 23 Quyết định số 23 ngày 20.6.2014 của UBND thành phố cho phép: “Trong các trường hợp cụ thể, căn cứ tình hình thực tế, UBND thành phố sẽ xem xét hỗ trợ khác để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất, giải quyết khó khăn về chỗ ở cho người bị thu hồi đất”. Điều này áp dụng cho khu đất này là đúng bởi vì vị trí đắc địa, trồng cây quất cảnh có giá trị cao… khác với những nơi khác.
Các hộ dân mong muốn rằng khi cơ quan Nhà nước thu hồi đất của người dân thì cần xem xét đến thực trạng đất, công sức đầu tư của người dân và hơn cả là tác động xã hội từ việc mất đất, mất nghề, mất thu nhập từ hoạt động sản xuất nhằmduy trì đời sống để có chính sách bồi thường phù hợp. Khi đó, người dân sẵn sàng hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện dự án.
Hoài Phong