Ông Trump trước thách thức 'Vạn lý tường lửa' của Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 09:23, 28/03/2017

Chính phủ Trung Quốc chắc chắn nhận thức được những lợi ích mà việc bảo hộ trong lĩnh vực trực tuyến có thể đem lại cho các doanh nghiệp trong nước, khi sử dụng hệ thống tường lửa danh tiếng của mình ngăn chặn truy cập từ người dùng trong nước đến các website và dịch vụ Internet có nguồn gốc từ nước ngoài.

Website chia sẻ ảnh theo dạng mạng xã hội khá nổi tiếng trên khắp thế giới Pinterest có trụ sở ở San Francisco lâu nay vẫn được xem là nằm trong diện ít có khả năng có thể trở thành mối đe dọa tiềm ẩn với Trung Quốc, khi nó gần như không bị bất cứ một sự kiểm duyệt hay ngăn chặn người dân Trung Quốc truy cập từ hệ thống tường lửa quy mô vẫn được mệnh danh là “vạn lý tường lửa” (The great firewall) của chính phủ nước này. Website chia sẻ ảnh mới được khoảng 7 tuổi này trên thực tế đang được xem là một trung tâm toàn cầu cho lĩnh vực chia sẻ hình ảnh, xu hướng và các ý tưởng về các chủ đề khác nhau, từ thiết kế phòng khách đến những món thịt nướng vào cuối tuần.

Tuy nhiên, thật không may, ngay cả sự vô hại của Pinterest Inc cũng không thể cứu được website này tránh được số phận tương tự như các công ty Internet nước ngoài khác phải đối mặt tại Trung Quốc, điển hình như Facebook hay Alphabet (công ty mẹ của Google). Vào đầu tháng 3 này, chính phủ Trung Quốc đã chặn người dùng Internet ở nước này truy cập vào địa chỉ website của Pinterest. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đưa Pinterest vào trong danh sách các mối quan tâm của chính quyền Donald Trump về vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Top 10 trang bị chặn ở Trung Quốc

Trên thực tế, Pinterest không phải là trường hợp duy nhất liên quan đến vấn đề này với chính phủ Trung Quốc. Vào năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã chặn hàng ngàn website có xuất xứ từ Mỹ, trong đó bao gồm khoảng 25 website trao đổi thương mại phạm vi toàn cầu có quy mô lớn nhất, 8 trong số đó đến từ Mỹ. Tuy nhiên, tính đến nay gần như không có bất cứ một sự phản đối nào về sự vi phạm các quy định thương mại toàn cầu này của Bắc Kinh ngoại trừ những lời phàn nàn của Washington về những rào cản ngăn chặn các doanh nghiệp Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nếu những hạn chế tương tự này của Trung Quốc mà xảy ra đối với các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Mỹ, thì gần như chắc chắn là đã bị chính phủ Mỹ đem ra kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngay lập tức.

Một trong những lý do hàng đầu cho sự áp đặt này, là việc giá trị của các dịch vụ số hóa đang ngày càng gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Vào năm 2015, giá trị thương mại toàn cầu của các dịch vụ dữ liệu quốc tế kiểu này đã tăng lên tới con số 2.800 tỉ USD, trong đó Mỹ là một trong những nền kinh tế thu được nhiều lợi ích nhất từ đó. Chỉ tính riêng trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các dịch vụ số hóa của Mỹ đã lên tới hơn 400 tỉ USD, chiếm hơn một nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu các loại hình dịch vụ của nước này và tạo ra khoản thặng dư thương mại lên đến 159 tỉ USD trong lĩnh vực này.

Mặc dù không thể tính được các doanh nghiệp công nghệ Mỹ như Facebook, Google hay Twitter có thể kiếm được bao nhiêu tiền trong lĩnh vực Internet đang bùng nổ ở Trung Quốc trong trường hợp được phép xâm nhập và cạnh tranh tại thị trường khổng lồ này, nhưng có một điều chắc chắn rằng thặng dư thương mại của Mỹ trong lĩnh vực này sẽ gia tăng đáng kể nếu điều đó xảy ra. Một ví dụ điển hìnhlà New York Times, một doanh nghiệp công nghệ nhỏ bé nếu so với Facebook, đã cho biết công ty này mất ít nhất một khoản doanh thu lên tới 3 triệu USD từ thị trường Trung Quốc sau khi bị chính phủ nước này chặn truy cập.

Chính phủ Trung Quốc chắc chắn nhận thức được những lợi ích mà việc bảo hộ trong lĩnh vực trực tuyến có thể đem lại cho các doanh nghiệp trong nước. Vào tháng 6.2009, Trung Quốc đã chặn Twitter, và hai tháng sau đó Sina Corp đã lập tức tung ra một loại microblog tương tự và giành được những thành công ngoài mong đợi. Hầu hết những ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp nội địa Trung Quốc đều phát triển rất mạnh trong những năm gần đây khi không gặp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài, mà Weibo là một ví dụ điển hình. Tương tự, khi Google tuyên bố rằng họ dự định đóng cửa tất cả các văn phòng của mình tại Trung Quốc vào tháng 5.2010, thì ngay lập tức cổ phần của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google là Baidu đã tăng vọt, có lúc lên tới 16,6% chỉ trong vòng một ngày. Những điều tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp Internet khác, với quy mô và cấp độ nhỏ hơn.

Trường hợp của Pinterest cũng không phải là ngoại lệ. Ngay từ năm 2012, một ứng dụng nội địa của Trung Quốc tương tự như Pinterest đã ra đời nhưng chỉ giành được những thành công tương đối nhỏ tại thị trường nội địa. Và giờ đây, khi Pinterest đã bị chặn, thì gần như chắc chắn ứng dụng nhái kia sẽ có doanh số cao hơn nhiều khi đã trở thành lựa chọn duy nhất còn lại cho người truy cập Internet Trung Quốc.

Về phía các nạn nhân của vạn lý tường lửa này, cơ hội để lật ngược tình thế là không nhiều. Bắc Kinh vốn vẫn nổi tiếng là vô lý trong việc chặn các website nước ngoài mà không đưa ra lý do rõ ràng và cụ thể, và hiện tại cũng chưa có thủ tục chính thức để kiện Trung Quốc ra quốc tế trong lĩnh vực này. Dĩ nhiên, đây vẫn được xem là một sự vi phạm các quy định của WTO từ phía Trung Quốc. Trên thực tế, việc kiện Trung Quốc ra WTO về việc vạn lý tường lửa của nước này thực chất là một loại hàng rào bảo hộ thương mại không phải là một câu chuyện mới mẻ. Liên minh châu Âu (EU) đã cân nhắc điều này ít nhất là từ cuối những năm 2000. Và vào cuối năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã có một động thái được xem là đặt nền tảng cho vấn đề này, khi tuyên bố rằng việc kiểm duyệt của Trung Quốc đã gây ra những gánh nặng lớn đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài. Và bước tiếp theo nhiều khả năng sẽ là một khiếu nại chính thức lên WTO, dĩ nhiên do chính quyền của Tổng thống Donald Trump đảm nhiệm.

Một điểm khá tích cực trong vấn đề này, là trong thời gian gần đây WTO đã bắt đầu có các động thái chống lại nỗ lực của Trung Quốc trong các vấn đề hạn chế nhập khẩu và phân phối sách báo, phim ảnh ở nước này. Lờ đi các phán quyết của WTO có thể sẽ khiến hình ảnh và độ tin cậy về thương mại của Trung Quốc bị nghi ngờ trên khắp thế giới.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nhàn Đàm