Lực lượng biên phòng thuê tàu ngư dân mật phục cát tặc
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:54, 28/03/2017
Trong khi chính quyền tỉnh loay hoay tìm các biện pháp để giải cứu bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) thì những dự án mang danh nạo vét thông luồng lạch lại tận thu ngoài phạm vi cho phép, chở cát ra ngoài địa bàn san lấp.
Phát hiện sai phạm
Sau vài đợt “lũ chồng lũ”, luồng lạch Cửa Đại bị hàn nên nhiều tàu thuyền lớn mắc cạn giữa dòng. Để giải cứu cấp bách, ngân sách Trung ương chi hàng chục tỷ đồng thực hiện việc nạo vét thông luồng lạch cửa sông phía nam Cửa Đại để thuận tiện cho tàu thuyền ra khơi. Theo đó, sẽ bơm toàn bộ số cát tận thu được vào khu vực bãi biển Cửa Đại để bồi đắp cho bờ. Và ở khu vực này, có 2 dự án thực hiện từ thời điểm cuối tháng 2. Đó là dự án “Nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại” do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa - Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với khối lượng hút khoảng 100.000m3 cát, kinh phí 12 tỷ đồng và dự án “Chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Hội An” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Hội An (thuộc UBND TP.Hội An) làm chủ đầu tư với khối lượng khoảng 80.000m3.
Cả hai dự án trên đều do Sở GTVT giám sát, quản lý vì liên quan đến hoạt động an toàn giao thông đường thủy. Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Đoạn quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT tỉnh) cho biết, khu vực được phép hút cát để nạo vét luồng giao thông từ Cửa Đại đi Cù Lao Chàm là luồng phía nam từ km2+500 đến km4+200. Từ ngày các tàu thuyền hút cát, qua giám sát phương tiện, đơn vị đã phát hiện nhiều tàu hút cát sai vị trí được cấp phép và chở đi nơi khác. Đơn cử: ngày 12.3, phát hiện sà lan mang số hiệu HP 4055 và ĐNa 0578 của Công ty Thành Đô hút cát ở luồng phía bắc, cách vị trí được phép hút cát khoảng 3km, rồi chở đi nơi khác. Ngày 13.3, đơn vị phát hiện thêm sà lan HP 4288 hút cát sai vị trí và cũng chở đi nơi khác chứ không đưa vào bãi theo quy định. Theo ông Sơn, cả hai lần ông đều báo cho lãnh đạo chính quyền TP.Hội An để có hướng xử lý vì đơn vị không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Cho đến khi các cơ quan chức năng yêu cầu thì sà lan HP 4288 mới quay lại bơm cát vào bãi Cửa Đại. Rõ ràng, lực lượng chức năng, chính quyền đã lỏng lẻo trong quy trình kiểm soát từ khâu hút cát cho đến khâu đổ cát vào bãi.
Mở đợt cao điểm đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương.
Trước mắt, chủ trì, phối hợp với các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” đến ngày 1.6.2017; tăng cường mở các chuyên án đấu tranh phòng chống hoạt động trái phép trong khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi xây dựng; xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi xây dựng tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật...T.B (theo toquoc.vn)
Sau nhiều ngày theo dõi, ngày 24.3, lực lượng biên phòng phường Cửa Đại đã bắt tàu mang số hiệu HD2904, có trọng tải 200m3, thuộc Công ty CP Anh Phú có trụ sở tại xã Tân Dân (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) do ông Trần Phương Hướng quản lý đang hút cát cách Cửa Đại 2,5 hải lý. Thời điểm kiểm tra tàu này chưa có giấy đăng kiểm và trình báo với Đồn Biên phòng. Thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết: “Tàu này đang ở Tam Quang, Bình Định được Công ty Thành Đô hợp đồng với Công ty CP Anh Phú đưa ra hút cát. Tuy nhiên trước đó phía Công ty Thành Đô đã dừng hút cát. Sau khi Ban Quản lý dự án kiểm tra vẫn thiếu 500m3 nên yêu cầu Công ty Thành Đô phải thực hiện đủ số lượng cát như đã hợp đồng; do đó đã điều tàu trên ra hút cát trong khi chưa có phép”.
Rút ruột tài nguyên
Cho đến nay, dự án hút cát để bồi vào bãi biển Cửa Đại có 9 tàu của 3 công ty cùng thực hiện. Điều đáng nói, phía chủ đầu tư dự án thiếu giám sát, kiểm tra, hướng dẫn nên đã để các tàu hút không đúng luồng lạch, tạo ra nhiều chỗ sâu, chỗ cạn gây khó khăn cho các phương tiện tàu bè của ngư dân, và tàu du lịch trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Đề cập nguyên nhân các tàu hút cát trộm, Thượng tá Trần Văn Ba cho biết thêm: “Việc chủ đầu tư dự án cho tàu vào ào ạt hút cát gây sự chồng chéo trong quản lý. Ngày 10.3, chúng tôi làm thông báo gửi UBND TP.Hội An, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa, phường Cửa Đại và các đơn vị thi công yêu cầu phải tuân thủ mọi quy định. Đồng thời đề nghị thời gian hút từ 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều cùng ngày và trở về cảng neo đậu. Nhưng khi tàu vào trả cát thì chủ đầu tư hết giờ làm việc, nên tàu neo lại ở biển, tạo lỗ hổng cho việc chở cát ra Đà Nẵng bán trộm. Sau khi nhận thông tin, chúng tôi đã điều lực lượng thuê thuyền ngư dân ra mật phục và vụ việc đang trong quá trình điều tra”.
Theo tài liệu thu thập của phóng viên Báo Quảng Nam, có cơ sở để người dân TP.Hội An bức xúc lo lắng về mức độ sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn nếu như tiếp tục thi công nạo vét luồng lạch biển Cửa Đại và nguồn cát ở Cửa Đại bị hút trộm. Thực tế đã có một hợp đồng kinh tế giữa Công ty TNHH Tuấn Sinh (Nam Định) với Công ty CP Trung Nam với nội dung thỏa thuận là “Hút cát tại vùng biển Cửa Đại” vận chuyển, bơm vào bờ, cách mép nước 30 mét tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Theo đó, tổng khối lượng thỏa thuận tại hợp đồng này là cung ứng 1 triệu khối cát, với giá trị thanh toán là 60 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Thông, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa) - chủ đầu tư cho biết, đại diện nhà thầu, tư vấn giám sát (Công ty CP Thương mại, đầu tư xây dựng Văn Lang) và Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP.Hội An đã ký biên bản xác nhận, tính đến ngày 25.3, khối lượng cát nạo vét là 64.000m3. Các đơn vị liên quan đều khẳng định toàn bộ số cát được nạo vét đã được sử dụng để vận chuyển và bơm tạo bãi đoạn từ khách sạn Victoria đến khách sạn Palm Garden; khoảng cách bơm từ vị trí ra bờ biển khoảng 80m. Chính quyền TP. Hội An đã chính thức có văn bản đề nghị dừng dự án nạo hút cát ở biển Cửa Đại, chờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Dự kiến hôm nay 27.3, Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa sẽ làm việc với lãnh đạo TP.Hội An, lãnh đạo tỉnh để làm rõ khối lượng, thông tin liên quan hai dự án do Cục Đường thủy nội địa và dự án do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư.
Tối 27.3, ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam cho biết thành phố đã yêu cầu tạm dừng dự án “Nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại” sau cuộc họp chiều cùng ngày.Theo ông Hùng, dự án này do Ban quản lý dự án đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa, Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với khối lượng nạo vét dự kiến hơn 82.000m3.
Trong cuộc họp, Ban quản lý dự án của cục đường thủy nội địa cho biết dự án do họ làm chủ đầu tư (đơn vị thi công là Công ty Thuận Lưu) đến lúc này chỉ nạo vét 14.417m3. Còn con số 64.000m3 cung cấp cho báo chí là con số cộng dồn luôn dự án do TP Hội An làm chủ đầu tư vì có chung luồng khai thác.
“Đây là điều vô lý vì 2 dự án có 2 ban quản lý riêng nhưng họ lại gộp chung vào để tính toán khối lượng cát. Chúng tôi nghi vấn điều này nên đã yêu cầu dừng việc nạo vét để các cơ quan điều tra vào cuộc điều tra làm rõ” - ông Hùng nói.
Trường Trung (Tuổi trẻ)
Trần Hữu - Minh Hải (báo Quảng Nam)