Băm nát đồi lấy đất san lấp làm khu tái định cư 500 tỉ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:08, 28/03/2017
Cày nát cảnh quan
Khu dân cư hạ lưu sông Trà Bồng - đập Cà Ninh (KDC Cà Ninh) được quy hoạch trên diện tích gần 200ha thuộc xã Bình Đông đáp ứng nhu cầu tái định cư của 2 nghìn hộ dân ngư nghiệp, nông nghiệp trong vùng dự án của nhà máy nhiệt điện Sembcorp-Singapore.
Theo quy hoạch được công bố, KDC Cà Ninh được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm đường giao thông, khu nhà ở, trường học, khu vực công cộng, dịch vụ. Bên cạnh đó, không gian kiến trúc cảnh quan theo tiêu chí đô thị, ưu tiên giữ lại các khu vực đồi núi hiện trạng, phát triển các không gian này thành điểm nhấn cảnh quan, thân thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hiện tại, KDC này đang được các nhà thầu tiến hành san nền mặt bằng với trữ lượng đất cần dùng khoảng 3 triệu khối. Ông Trần Vũ Nhân, Phó ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQL KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết tỉnh đã quy hoạch hai khu vực lấy đất phục vụ dự án gồm tận thu ở nhà máy giấy VNT 19 và hai mỏ đất của công ty Trung Nam Phong, công ty Khoáng sản Quảng Ngãi tại thôn Thượng Hòa (xã Bình Đông).
Tuy nhiên, việc tuân thủ lấy đất phục vụ tại các điểm mỏ đã được chỉ định gần như không được thực hiện nghiêm túc khi hàng loạt quả đồi tại thôn Thượng Hòa đang bị cày xới, băm nát tràn lan như bị dội bom.
Theo người dân, một số đơn vị tham gia thi công dự án KDC Cà Ninh sử dụng phương tiện đào bới ngoài khu vực cho phép để lấy đất nhằm giảm chi phí. Việc khai thác trái phép này diễn ra cả tháng qua, nhưng không thấy chính quyền địa phương xử lý.
Qua quan sát của chúng tôi, chỉ riêng tại rìa khu vực đồi núi thôn Thượng Hoà, số lượng điểm khai thác đất trái phép lớn nhỏ phải tính bằng con số hàng chục.
Nhiều người dân xã Bình Đông đã rất bức xúc trước tình trạng khai thác đất đá rầm rộ, tràn lan làm nóng địa bàn; việc khai thác diễn ra gần như ngang nhiên và rầm rộ với hàng chục xe tải chạy cả ngày. Ông T.X.V, người dân ở gần cho biết: "Ước bình quân số lượng xe đến lấy đất trái phép tại đây phải trên 200 lượt/1 ngày". Nhẩm tính với lượng đất chở ít nhất là 10m3/chuyến/xe, thì số đất trái phép bị lấy đi tại khu vực đồi này khoảng 2000m3/1 ngày.
Xử lý lẻ tẻ
Với một công trình có số vốn lớn như KDC Cà Ninh, việc quản lý đất đá đưa vào xây dựng cần được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Thế nhưng, việc vẫn đang tồn tại tình trạng đất san lấp được lấy từ nguồn trôi nổi không đảm bảo chuẩn thiết kế khiến nhiều người lo ngại.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Vũ Nhân, Phó ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQL KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi) cho rằng ‘khó để anh em giám sát của đơn vị biết được hết vị trí nào được cấp phép hay không’.
Theo ông Nhân, ban đã cử cán bộ giám sát hằng ngày tại công trình, nếu đơn vị nào lấy đất không đúng quy chuẩn thì sẽ lập biên bản và yêu cầu không được đổ vào dự án. “Tình trạng lấy đất trôi nổi đổ vào dự án có chăng thì lẫn lộn chút ít, nguyên tắc của chúng tôi là không cho phép việc đó xảy ra”, ông Nhân nói.
Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra việc này. Chưa nói đất trôi nổi bị lấy đi vô tội vạ, mà việc các đồi núi xung quanh KDC bị băm nát đã phá vỡ cảnh quan theo yêu cầu trong quy hoạch tổng thể dự án là ‘ưu tiên giữ lại các khu vực đồi núi hiện trạng, phát triển các không gian này thành điểm nhấn cảnh quan, thân thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân’.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: “Hiện nay chỉ có 2 công ty được cấp phép khai thác mỏ đất phục vụ dự án, còn trên địa bàn có cá nhân nào đào bới thì anh em lập biên bản xử phạt theo quy định hết. Nếu ai đào bới ngoài 2 mỏ đó thì đều vi phạm”.
Khi được hỏi về việc hiện nay tình trạng khai thác đất trôi nổi vẫn lén lút xảy ra, ông Vũ cho hay: “Nếu có đào đất đá bên ngoài thì chúng tôi tiếp tục kiểm tra và xử lý. Ở khu vực đó anh em hay đi kiểm tra. Ngày 27.3, tôi đã ký quyết định xử phạt ông Bùi Văn Nhiên và ông tên Nam (thôn Thượng Hòa) mỗi người 3 triệu đồng và yêu cầu dừng việc đào bới hoàn toàn, khôi phục lại hiện trạng ban đầu”.
Lê Đình Dũng