Giải cứu dưa hay giải cứu nông nghiệp tự bơi

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:04, 29/03/2017

Bi kịch lặp lại, người dân trồng dưa, ớt ở Quảng Ngãi đang lao đao vì rớt giá. "Trung Quốc không ăn", người ta nhìn quanh và lại chờ "giải cứu"…

Tôi đã từng theo chân các "hiệp sĩgiải cứu dưa hấu"vào các vựa dưa ở Quảng Ngãi để thu gom bán giúp nông dân khi dưa rớt giá thê thảm cũng vào mùa này năm 2015. Thời điểm đó, dưa chín đầy đồng, trâu bò chả thèm ăn, nông dân mếu máo. Lý do ám ảnh nhất mà đến bây giờ cứ vẫn lặp lại, được người dân cho biết là "Trung Quốc không ăn". Nghĩa là, việc trồng dưa của người dân chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, năm nào thị trường này "ăn"thì dưa có giá, năm nào "không ăn"thì hàng ứ ngay cửa khẩu.

>>Bi kịch nông nghiệp Việt- Bài 1: Theo chân hiệp sĩgiải cứu dưa hấu miền Trung

>>Bài 2: Điệp khúc chờ Trung Quốc ‘ăn’

Cuối tháng 3 năm nay, điệp khúc bắt đầu lặp lại. Lại "đắng" với hàng trăm hecta dưa hấu ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ của Quảng Ngãi không có người mua.

Tại xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh), ông Đỗ Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Toàn xã có 60 ha dưa bắt đầu thu hoạch, sản lượng ước tính gần 1.200 tấn. Một vài năm trước, giá dưa hấu đầu vụ từ 7.000 - 10.000 đồng/kg nhưng chỉ một số ít người bán được giá cao vì dưa cũng rớt giá ngay sau đó. Còn hiện nay dưa chín đầy đồng mà thương lái không thu mua".

"Thấy năm trước giá dưa cao nên năm sau người dân đua nhau trồng. Đến lúc thu hoạch thì thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc đóng cửa khiến người nông dân thiệt hại nặng nề. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân nhiều lần nhưng mạnh ai nấy làm nên cũng đành chịu". Đây là cách trả lời chung nhất của lãnh đạo các cấp, ngành khi nhắc đến bài toán được mùa mất giá, mất mùa được giá và cơ cấu cây trồng.

Bên ruộng dưa, nông dân đang mếu máo vì năng suất năm nay cao, dưa đạt chuẩn trọng lượng 8-10kg nhưng thương lái không tới. Hiện tại, dưa đang ở mức giá thê thảm khoảng 1.000 đồng/kg, có nơi thương lái trả 800 đồng/kg.

Ông Ngô Văn Hoàng (thôn Hội Đức, xã Tịnh Hiệp) than thở: "Đáng lẽ bán hơn nửa tháng rồi nhưng cố đợi người mua giá cao chút. Nếu bán với giá hiện nay mỗi sào thu về tầm 1 triệu đồng trong khi chi phí đầu tư đã trên 2 triệu. Lỗ nặng quá".

Theo như lãnh đạo các địa phương, việc trồng dưa, ớt thường không nằm trong cơ cấu cây trồng hằng năm của huyện, xã. Do đó, địa phương không khuyến khích mà chỉ khuyến cáo người dân nên nghiên cứu thị trường.

Còn hỏi người dân, họ cho rằng trồng dưa bấp bênh nhưng khi được mùa thì bán có giá. Mà không trồng dưa, ớt trên đất này thì chẳng biết trồng cây gì cho ra sản lượng và thu nhập.

Cứ thế, một vòng luẩn quẩn không lúc nào dứt. Chính quyền không thể cấm người dân trồng cây gì. Người dân thì không thể ngồi chờ được chính quyền nghiên cứu trồng cây gì cho bền vững, đành đâm lao theo thị trường với điệp khúc "ăn" - "không ăn": trồng dưa.

Trên tài khoản Facebook cá nhân, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện ủy Bình Sơn cho biết địa phương đang có 116ha dưa đang chín, sản lượng 2.435 tấn không bán được, nếu bán với giá 3.000 đồng/kg thì nông dân hòa vốn.

Bà Anh Thư nguyên là Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi. Năm 2015, bà dẫn đầu các đoàn viên trong tỉnh tham gia tích cực vào việc giải cứu dưa, giúp rất nhiều nông dân cứu lại vốn liếng. Dân đang gặp khó, bà Thư lại nóng lòng giúp dân bằng cách liên hệ các kênh tiêu thụ nội địa như từng làm. Nhưng cũng chính bàphải thừa nhận rằng người dân không thể chờ sự hỗ trợ của cộng đồng mãi, phải bám vào thị trường và đầu mối tiêu thụ để chủ động.

Và vấn đề hiện tại của nông sản Việtkhông chỉ dưa, là đầu ra và kênh phân phối. Bằng chứng rõ nhất là việc trồng dưa của nông dân vẫn phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Nông dân vẫn biết việc này nhiềurủi ro nhưng vẫn làm,được mùa thì giá rất cao, nếu không đành chấp nhận lỗ. Vậy, thị trường Việt ở đâu?

Trả lời cho những câu hỏi này, nông dân không thể, chính quyền địa phương không thể. Vậy nên, thay vì loay hoay "giải cứu"từng vụ dưa, cần phải có cuộc "giải cứu"nền nông nghiệp tự bơi này!

Lê Đình Dũng

Lê Đình Dũng