'Bóng ma' nhập siêu trở lại
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:07, 29/03/2017
Một tin xấu mới được Tổng cục Thống kê công bố: Trong tháng 3, cả nước đã nhập siêu 1,1 tỉUSD và luỹ kế từ đầu năm đến nay nhập siêu đã lên gần 2 tỉUSD. Đây thực sự là con số đáng báo động.
Nói đáng báo động là vì sau nhiều năm triền miên nhập siêu, năm 2015, cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD nhưng sang năm 2016 đã xuất siêu được gần 2,7 tỷ USD thì chỉ 2 tháng đầu năm nay, con số nhập siêu lại gia tăng ở mức khá bất ngờ.
Trong một số thời điểm trước đây, việc nhập siêu tăng đôi khi không hẳn là tiêu cực bởi rất có thể, do nhu cầu tiêu thụ nguyên, vật liệu, nhiên liệu tăng cao, phục vụ sản xuất mà lượng hàng hoá nhập khẩu phải tăng lên và như vậy, nhập siêu có khi lại là dấu hiệu nền kinh tế khởi sắc..
Nhưng việc gia tăng nhập siêu ở mức đột ngột trong khi nhìn chung, tình hình sản xuất, kinh doanh của cả nước trong các tháng đầu năm không mấy sáng sủa thì thực sự là chỉ dấu đáng lo ngại.
Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong tháng 2, cả nước chỉ có hơn 5.460 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,3 nghìn tỷ đồng, giảm 39,3% về số doanh nghiệp và giảm 31% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng chậm.
Với bối cảnh chung như thế, số lượng, kim ngạch nhập khẩu gia tăng mạnh khó có thể coi là yếu tố tích cực. Nếu cứ theo đà này, chẳng mấy chốc, con số nhập siêu sẽ vượt xa cả mức nhập siêu của năm 2015.
Trong những thời điểm nền kinh tế ảm đạm, khó khăn trước đây, nhập siêu luôn được coi là một trong những nguyên nhân gây bất ổn lớn nhất. Bởi vì, tình trạng nhập siêu lớn, kéo dài sẽ làm mất cân bằng cán cân thanh toán, khiến tỷ giá luôn bất ổn, bào mòn quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia và không đảm bảo ổn định cho kinh tế vĩ mô.
Con số nhập siêu trong 3 tháng đầu năm nay lớn, có thể nguyên nhân chính là do nhập khẩu tiêu dùng quá nhiều, đặc biệt là ô tô (do thuế giảm), trong khi xuất khẩu tăng chậm do cơ cấu xuất khẩu chậm thay đổi, chất lượng hàng xuất khẩu không được nâng cao, gặp nhiều rào cản thương mại ở nước ngoài...
Đặc biệt là tình trạng mất cân đối trong xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, nhập siêu quá lớn từ thị trường này nhiều năm nay vẫn không được cải thiện.
Do đó, để ngăn ngừa một nguy cơ nhập siêu tiếp tục tăng cao, gây ra những hệ quả khó lường, ngay từ bây giờ, Bộ Công Thương cần tính toán các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu. Nếu không có giải pháp kiềm chế nhập khẩu hiệu quả, chỉ tiêu nhập siêu không quá 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu mà Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện sẽ khó lòng mà đạt được.
Mạnh Quân/Dân Trí