Samsung hắt hơi, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:58, 30/03/2017
Kinh tế Việt Nam vừa trải qua quý 1-2017 được xem là tồi tệ nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, khi chỉ đạt mức tăng trưởng GDP ước tính khoảng 5,1%, thấp hơn đáng kể so với quý 1 của hai năm 2015 và 2016 (lần lượt đạt 6,12% và 5,48%), trong khi Chính phủ và các nhà kinh tế kỳ vọng nó sẽ đạt khoảng ít nhất là 5,5% và mức dự đoán khoảng 6,25%. Mức sụt giảm đáng ngạc nhiên về tăng trưởng GDP trong quý 1 này được đánh giá là do tác động trực tiếp của tình trạng sụt giảm sản lượng công nghiệp, với điển hình là sụt giảm doanh số lắp ráp điện thoại thông minh của các nhà máy Samsung Electronics tại Việt Nam.
So với mức tăng trưởng trong quý 4-2016, thì sự sụt giảm mạnh trong quý 1-2017 cũng là một vấn đề cần nhắc đến. Trong quý 4-2016 kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,68%, nói cách khác nền kinh tế đã giảm tăng trưởng khoảng gần 1,6% chỉ trong vòng 2 quý liên tiếp. Theo đánh giá của các nhà phân tích, lý do chủ yếu cho sự sụt giảm đáng báo động này là vì sự suy yếu của sản lượng công nghiệp và trực tiếp là do giảm doanh số sản xuất điện thoại thông minh cùng các sản phẩm công nghệ tại các nhà máy lắp ráp của Samsung ở Việt Nam. Theo đó, sự sụt giảm doanh số sản xuất của Samsung đã khiến xuất khẩu điện thoại và các sản phẩm công nghệ của Việt Nam giảm khoảng 10,7% trong quý 1-2017, qua đó tác động trực tiếp đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Trên thực tế, Việt Nam đã tỏ ra trội hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác trong năm 2016 khi tăng trưởng xuất khẩu vẫn giữ vững ở mức khá ổn định. Trung tâm cho sự ổn định này là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn như Samsung Electronics hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất của VN, chiếm khoảng 20% lượng hàng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi Samsung rơi vào vụ scandal do sự cố của chiếc điện thoại Galaxy Note 7 – vụ việc đã khiến doanh số sản xuất và lắp ráp tại các nhà máy này giảm đáng kể. Và giờ đây khi tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này tiếp tục rơi vào các bê bối mới tại quê nhà cùng với sự tăng trưởng ảm đạm của thị trường thế giới, đã khiến cho doanh số sản xuất của Samsung tại Việt Nam giảm đáng kể.
Ông Gareth Leather, nhà kinh tế học cấp cao khu vực châu Á tại Capital Economics có trụ sở tại London, cho biết: “Chúng tôi đã kỳ vọng rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2017, khi có một số yếu tố giữ vai trò hỗ trợ tăng trưởng đáng kể trong năm nay”. Vị chuyên gia này liệt kê, bao gồm sự hồi phục sản lượng trong nông nghiệp, một chính sách tiền tệ linh hoạt và cởi mở hơn, và sự ổn định của khu vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – ông Nguyễn Bích Lâm, thì nhận định về kết quả khá đáng thất vọng này: “Mức tăng trưởng 5,1% trong quý 1 năm nay thấp hơn cùng kỳ của các năm trước. Điều này cho thấy sẽ rất khó khăn cho VNtrong việc đạt được mức tăng trưởng đề ra trong năm nay là 6,7%”. Ông Lâm cũng cho biết thêm, để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu, thì Việt Nam phải tăng trưởng khoảng 7% trong 3 quý còn lại của năm, và đây là một nhiệm vụ rất khó có thể hoàn thành.
Một số các thông tin quan trọng khác được Tổng cục Thống kê công bố về nền kinh tế Việt Nam quý 1-2017: Sản xuất tăng 8,3% so với cùng kỳ 2016, xuất khẩu tăng 12,8% trong khi nhập khẩu tăng 22,4%, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 24,4% trong tháng 3 và là tháng thứ 2 liên tiếp sụt giảm. Những số liệu này đang chỉ ra một tình trạng không mấy tích cực cho nền kinh tế được kỳ vọng là nằm trong top tăng trưởng nhanh nhất thế giới theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB). Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang tăng mạnh chi tiêu cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì vai trò là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 sẽ đạt khoảng trên 6% và sẽ duy trì ổn định đến năm 2019. Tuy nhiên, các rủi ro cũng đang tăng lên mà điển hình là trong lĩnh vực thương mại toàn cầu: Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế ở châu Á dễ bị tổn thương nhất từ nguy cơ gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ hiện nay.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)