Nghệ sĩ Lộc Vàng: ngọn lửa đam mê 'nhạc vàng' chưa bao giờ tắt
Văn hóa - Ngày đăng : 07:21, 01/04/2017
Với giới mộ điệu âm nhạc Việt Nam thì tên tuổi của nghệ sĩ Lộc Vàng rất nổi tiếng. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945 tại Hà Nội.Vì quá đam mê dòng nhạc tiền chiến (từng bị đánh đồnglà nhạc Vàng) nên tên của ông được người hâm mộ gắn thêm chữ “Vàng” sau tên Lộc, cũng từ đó Lộc Vàng trở thành nghệ danh của ông. Trong quá khứ ông từng bị ở tù đến 8 năm do hát những bản nhạc không được phép phổ biến ở miền Bắc vào những năm 1968 của thế kỷ trước.
Trong thời gian nghệ sĩ Lộc Vàng vào Sài Gòn, ông đã dành riêng cho báo điện tửMột Thế Giớimột cuộctrò chuyệnliên quan đến dòng nhạc tiền chiến cùng những thăng trầm ông đã từng trải qua.
Thưa ông, được biết ông là người rất đam mê dòng nhạc tiền chiến và cũng từng gặp một số khó khăn khi thực hiện niềm đam mê của mình, ông nhận định thế nào về dòng nhạc này?
Từ bé đến giờ, tôi rất yêu mến và đam mê dòng nhạc tiền chiến. Nguyên vọng của tôi là muốn bảo tồn lại dòng nhạc trữ tình của Việt Nam được sáng tác trước năm 1954. Bởi vậy tôi luôn ấp ủ và tìm cách thể hiện những ca khúc này dưới nhiều hình thức, nhưng đến bây giờ tôi mới được mời hát công khai, hát tự do, nên tôi thấy phấn khởi, phấn khích và rất vui.
Thật ra đã tôi mở quán cà phê ở Hà Nội thường xuyên hát nhạc xưa, mỗi tuần hát ba đêm với thời gian hoạt động gần 10 năm nay tôi vẫn thường hát ở đó cho người yêu nhạc nghe.
Ông cho thể kể lại vắn tắt một vài cột mốc mà đối với ông gọi là rất đáng nhớ trong quá trình ông đến với dòng nhạc tiền chiến ?
- Cuộc đời của tôi thì có nhiều thăng trầm đang nhớ lắm… Nhưng tôi xin nói về những cột mốc liên quan đến âm nhạc thôi. Trước năm 1954, nền tân nhạc Việt Nam có những tác phẩm do chính nhạc sĩ người Việt Nam sáng tác về chủ đề tình yêu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên được rất nhiều người yêu thích. Đến sau năm 1954 do bối cảnh đất nước đang có chiến tranh, nên những tác phẩm âm nhạc đó không được phép phổ biến. Thời điểm đó tôi cùng bạn bè còn rất trẻ, hơn nữa tôi sống trong gia đình rất yêu nhạc, từ 6-7 tuổi, hằng ngày vẫn được nghe bố mẹ, anh chị hát nhạc tiền chiến, cứ thể giai điệu và ca từ đã ngấm vào trong tim, máu lúc nào không hay.
Đến năm 17 tuổi tôi chơi với anh Thành, anh Toán, ba anh em mới tụ lại thành một cái nhóm gọi là hát với nhau nghe những bản nhạc tiền chiến. Nhưng thời điểm đó không được hát công khai như bây giờ nên chúng tôi đóng cửa hát ở trong nhà chứ không dám ra hát ở ngoài. Cứ thế chúng tôi hát lén lút trong phòng, kể cả không cho hàng xóm nghe nhưng không hiểu sao chuyện đó lọt đến tai của nhà chức trách. Đến năm 1968 ba anh em chúng tôi bị bắt giam, mãinăm 1971 mới được mang ra xét xử công khai tại tòa án thành phố Hà Nội. Bản thân tôi bị xử10 năm tù cộng 4 năm mất quyền công dân, sau khi Hà Nội ký kết Hiệp địnhParis thì cả ba chúng tôi được giảm án.
Theo như ông nói thì vào thời điểm đó, dòng nhạc tiền chiến không được phép phổ biến ở miền Bắc, nhưng vì lý do gì ông cùng bạn bè bất chấp điều đó để hát và cuối cùng phải lâm vào vòng lao lý ?
-Mục đích của chúng tôi là để ôn lại tất cả những nét đẹp của âm nhạc cùng những lời văn sâu sắc của các nhạc sĩ ngày xưa qua đó lưu lại trong bộ nhớ của mình nhằm gìn giữ những tác phẩm quý giá đó.
Được biết ông đã từng bán nhà để lấy tiền mở quán hát nhạc xưa. Lý do gì khiến cho ông đưa ra quyết định quan trọng như vậy ?
- Đốivới tôi kinh tế không quan trọng, tôi có một niềm đam mê vô bờ bến. Tôi đam mê nhạc đến độ không biết suy nghĩ sau khi bán nhà thì tôi sẽ về đâu. Tôi chỉ có nguyện vọng muốn bảo vệ cái dòng trữ tình của Việt Nam mà thôi.
Thực ra tôi đã bốn lần mở quán cà phê nhạc xưa từ năm 1994 -1997, nhưng vì một số lý do không đủ thủ tục pháp lý nên không thể hát nhạc ở đó. Mãi đến năm 2008 thì tôi mới tiếp tục mở quán phê ca nhạc Lộc Vàng ở Hà Nội. Thật ra ba lần trước, khi đầu tư vào mở quán tôi đều mắt trắng vì không được hoạt động nên không thu hồi vốn lại được. Kể cả quán cuối cùng mở năm 2008 tôi vẫn bị lỗ liên tục. Nhưngvì sự đam mê được hát, nên tôi chả bao giờ nghĩ đến đồng tiền, tôi chỉ nghĩ một điều duy nhất là mang những giá trị đích thực của các nhạc sĩ Việt Nam trước năm 1954 truyền bá lại cho thế hệ sau.
Là một người đam mê thể loại nhạc trữ tình tiền chiến, ông có trăn trở gì khi dòng nhạc trẻ hiện đại trong nước cũng như các thể loại âm du nhập từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… phần nào làm lu mờ những giá trị của dòng nhạc tiền chiến rất Việt Nam?
- Tôi có theo dõi, dòng nhạc trẻ bây giờ dường như được ưa chuộng hơn, trong khi đó dòng nhạc tiền chiến rất sâu sắc đầy văn hóa, đầy tình người, đầy trí thức thì ít người biết thưởng thức. Tôi muốn nhắn nhủ với giới trẻ rằng chấp nhận cái mới cái hiện đại nhưng không quay lưng với văn hóa truyền thống của đất nước, trong đó có âm nhạc.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ !
Tiểu Vũ – Tú Viên (thực hiện)