Ngưng nhập gà Mỹ, giá gà trong nước tăng mạnh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:29, 02/04/2017
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, trong tháng 3.2017, giá gà công nghiệp lông trắng sau khi giảm sâu xuống vào đầu tháng dưới mức giá thành là 17.000 – 19.000 đồng/kg do tăng đàn quá nhanh và việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc thì đến cuối tháng, giá gà lại tăng do nhu cầu tăng và nguồn gà Mỹ bị tạm ngừng nhập khẩu.
Cụ thể, giá thu mua gà lông trắng tại Vĩnh Long đã tăng khoảng 13.000 đồng/kg đạt 32.000 đ/kg. Tại Đồng Nai, giá gà tăng khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg, đạt 31.000 – 32.000 đồng/kg.
Trái ngược với giá gà, do nguồn cung dồi dào trong khi Trung Quốc giảm mua, giá thu mua heohơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg so với thời điểm cận và sau Tết.
Theo đó, hiện giá heohơi tại các tỉnh lần lượt là 31.000 – 32.000 đồng/kg; 31.000 đồng/kg và 29.000 đồng/kg. Tính chung trong 3 tháng đầu năm, giá heohơi biến động giảm.
Ngay tại thời điểm cận Tết (giữa tháng 1), giá heohơi tại Đồng Nai vẫn ở dưới giá thành 26.000 – 30.000 đồng/kg do tỷ lệ tăng đàn quá nhanh dẫn tới cung vượt cầu, không chủ động được thị trường. Đặc biệt, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng khiến giá heohơi liên tục biến động.
Về thị trường trái cây, tháng 3 giá nhiều loại trái lại có nhiều biến động. Tại Tiền Giang, nông dân trồng vú sữa lao đao vì giá nhiều loại giảm hơn một nửa so với năm trước. Hiện giá mua tại vườn đối với loại đặc biệt (4 trái một ký) dao động khoảng 32.000 - 35.000 đồng/kg, thấp hơn gần 10.000 đồng/kg so với năm trước. Nguồn nước nhiễm phèn đổ về ngày càng nhiều, trong khi lượng phù sa từ kênh rạch xung quanh giảm nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất mùa.
Tại Sóc Trăng, giá dưa hấu trong tháng bất ngờ giảm mạnh với giá từ trên 4.000 – 4.300 đồng/kg do mùa thu hoạch và thương lái bỏ cọc khiến nguồn cung tăng mạnh.
Sau nhiều tháng sụt giảm, giá chuối ở Đồng Nai trong tháng 3 đã bắt đầu nhích lên, tạo nguồn thu và giúp nông dân phần nào thoát cảnh thua lỗ. Hiện giá chuối chín cây được thương lái thu mua với mức 3.000 - 3.500 đồng/kg. Còn loại đẹp để xuất khẩu có giá bán 6.500 đồng/kg. Mức giá này đã nhỉnh hơn so với tháng 2 khoảng 1.500 - 4.000 đồng/kg.
Tình chung trong quý 1/2017, thị trường trái cây có nhiều biến động do sự thay đổi cung cầu vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán cũng như ảnh hưởng của khí hậu không mấy thuận lợi tại một số tỉnh phía Nam.
Trong khi đó, thị trường cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL đang tiếp tục diễn biến sôi động trong tháng 3.2017 với mức tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước, hiện ở mức 24.000 - 26.500 đồng/kg tùy loại. Do khan hiếm nguồn cung, người nuôi và bán bán cá tra hiện nay đã có lời từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Tính trong 3 tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung giảm so với trước trong khi các doanh nghiệp tăng cường hoạt động thu mua cá tra nguyên liệu phục vụ các đơn hàng xuất khẩu vào dịp đầu năm 2017.
Giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong tháng 3 cũng tiếp tục vững do mới bước vào đầu vụ nuôi nên sản lượng tôm nguyên liệu chưa nhiều, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang cao.
Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú oxy cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên mức 330.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg tăng 20.000 đồng/kg lên mức 270.000 đồng/kg. Giá tôm sú ướp đá cùng cỡ ổn định ở mức cao của tháng trước với 230.000 đồng/kg và 190.000 đồng/kg, tương ứng.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 và 60 con/kg tăng 5.000 đồng/kg lên lần lượt 170.000 đồng/kg và 155.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú loại 30 con/kg tăng 5.000 đ/kg lên 250.000 đ/kg.
Nhìn lại quý 1/2017, giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng mạnh do nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu thu mua của các nhà chế biến tăng cao.
Phan Diệu