Không dễ để Mỹ và Trung Quốc lôi kéo được Úc
Quốc tế - Ngày đăng : 06:57, 03/04/2017
Một trong những vấn đề có lẽ sẽ nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Florida trong 2 ngày 6-7.4 tới đây, là sự duy trì cũng như lôi kéo ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối tại Hàn Quốc, khi việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại lãnh thổ nước này của Mỹ đã khiến Trung Quốc giận dữ chưa từng thấy.
Ngược lại, có vẻ như Trung Quốc lại đang chiếm ưu thế tại Úc – một đồng minh trong nhiều thập kỷ qua của Mỹ. Trong số các quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Úc được xem là có mức độ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc lớn nhất. Ngay trước chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến đi tới Úc với những sự thúc đẩy hợp tác kinh tế - chính trị lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, có vẻ như cả Washington và Bắc Kinh đều đang đánh giá thấp Úc.
Những tháng đầu năm 2017 chứng kiến một sự trái ngược lớn trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc với quốc gia lớn nhất châu Đại Dương – Úc. Trong khi chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc được xem là nhằm củng cố hơn bao giờ hết mối quan hệ với Úc, bao gồm cả việc xem xét một hiệp ước dẫn độ giữa hai nước vốn được xem là một bước đột phá trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc; thì mọi chuyện giữa Mỹ và Úc có vẻ như đang xấu đi đáng kể sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã lập tức gây ra một vụ scandal lớn khi được cho là đã có một cuộc điện đàm đáng xấu hổ với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vốn được xem là để giải quyết vụ việc 1.250 người nhập cư Úc tìm cách lọt vào Mỹ đã nhanh chóng trở thành một sự chỉ trích, trong đó ông Trump chỉ trích ông Turnbull về sự xích lại đáng kể của Úc với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị trong khi rời xa đồng minh truyền thống là Mỹ trong vài năm trở lại đây.
Tổng thống Trump có lý. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Tổng kim ngạch thương mại của Úc với Trung Quốc trong năm 2015 đạt khoảng 114 tỉ USD. Dù đã giảm khoảng 18% so với mức đỉnh 139 tỉ USD vào 2 năm 2012 và 2013 thì kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn tỏ ra rất ổn định. Úc cũng là một trong những nước cởi mở nhất trong việc cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm các tài sản và doanh nghiệp ở nước này trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng đến hạ tầng và đặc biệt là nông nghiệp. Vụ việc chính phủ Úc ngưng cho phép một công ty Trung Quốc mua lại cổ phần của hệ thống truyền tải điện năng ở phía Nam thành phố Sydney vào cuối năm 2016 mới là lần đầu tiên một dự án liên quan đến Trung Quốc bị hủy bỏ do những lo ngại về an ninh ở nước này.
Các nhà lãnh đạo Úc cũng không phủ nhận thực tế này. Trong cuộc điện đàm với ông Donald Trump, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull giải thích rằng nước này hiện đang rất cần sự đầu tư từ khắp nơi trên thế giới để vực dậy một nền kinh tế đang dần suy yếu do phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn lực. Hiện nhu cầu của Trung Quốc với các mặt hàng của Úc như quặng sắt, khí đốt tự nhiên và than đá là rất lớn, và có thể buộc chính phủ nước này nhượng bộ nếu như Mỹ không có động thái cải thiện đầu tư vào nền kinh tế Úc.
Đó hẳn là một trong những màn kịch xuất sắc của Thủ tướng Malcolm Turnbull. Đúng là nền kinh tế Úc đang có quan hệ ngày càng mật thiết với Trung Quốc, nhưng thật khó có thể nói nó suy yếu hay phụ thuộc vào Bắc Kinh. Theo thống kê, nền kinh tế Úc hiện đang có mức độ đa dạng hóa và hoạt động hiệu quả hơn bất cứ nền kinh tế phát triển nào trên thế giới. Trong số các công ty lớn nhất trong nền kinh tế Úc, có tới hơn 200 công ty trong chỉ số S&P/ASX, chỉ có khoảng 17% trong số này hoạt động trong ngành công nghiệp khai thác nguyên liệu vốn là lĩnh vực mà ông Turnbull ca thán rằng nền kinh tế của mình quá phụ thuộc vào nó. Sự đa dạng hóa còn diễn ra trong lĩnh vực tài chính, trong đó khoảng 50 công ty chiếm khoảng 46,7% nhu cầu tài chính của nền kinh tế. Ngày càng có nhiều các công ty chăm sóc sức khỏe, sản xuất sản phẩm tiêu dùng và công nghệ được thành lập và hoạt động hiệu quả hơn trong nền kinh tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường bất động sản Úc là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây. Úc cũng là 1 trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về các điều kiện thuận lợi nhất cho việc kinh doanh và khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp ở Úc, khi so sánh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực tại các nước phát triển khác trên thế giới, có mức độ hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. 16 công ty chăm sóc sức khỏe của Úc với mức tăng trưởng 22% trong năm ngoái cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 9% của 60 công ty tương tự ở Mỹ. Các ngân hàng của Úc cũng vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ toàn cầu. Trong số 95 ngân hàng từ 19 quốc gia trong chỉ số MSCI của WB,thì 6 ngân hàng đến từ Úc có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, chỉ đạt 0,53%. Các ngân hàng này cũng có lãi suất ròng cao thứ 4 và tỷ suất lợi nhuận cao thứ 3.
Các số liệu thống kê kinh tế vĩ mô của Úc còn tỏ ra ấn tượng hơn nữa. Nợ công của nước này hiện mới chỉ khoảng 46% GDP, thấp thứ 7 trong số 25 nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Trong nhóm G20, Úc đứng thứ 5 về tăng trưởng GDP trong năm ngoái sau khi đã đứng thứ 10 vào năm 2015. Theo đánh giá của WB, Úc sẽ tăng trưởng khoảng 2,5% GDP trong năm nay, vào năm 2018 và 2019 sẽ đạt khoảng 2,7% và 2,9%. Tính mức tăng trưởng bình quân 3 năm của Úc sẽ cao hơn bất cứ nền kinh tế nào trong G8.
Nền kinh tế Úc, vì thế đang ổn định và tự chủ tốt hơn rất nhiều so với suy nghĩ của Donald Trump hay Tập Cận Bình. Và nếu như Úc có củng cố mối quan hệ kinh tế - thương mại với một đối tác nào chăng nữa, thì trước hết vẫn là vì lợi ích của chính họ. So với Hàn Quốc đang phải chịu những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng từ Trung Quốc sau sự kiện lắp đặt hệ thống tên lửa THAADthì Úc đang làm tốt hơn rất nhiều.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)