Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung: Khi Trung Quốc ve vãn Bắc Âu
Quốc tế - Ngày đăng : 10:58, 04/04/2017
Trước cuộc gặp mặt thượng đỉnh lần đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida trong 2 ngày 6-7.4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dừng chân tại Helsinki. Chuyến thăm Phần Lan của ông Tập lần này phản ánh một sự thay đổi cơ bản trong quan hệ thương mại và ngoại giao của Trung Quốc với khu vực Bắc Âu: trong khi cả thế giới chờ đón cuộc đối đầu giữa Donald Trump và ông Tập ở Florida, Trung Quốc tiếp tục ve vãn những nền kinh tế quan trọng còn lại đang cảm thấy lo ngại bởi chính sách bảo hộ của vị tân tổng thống Mỹ.
Chuyến thăm của ông Tập tới Phần Lan lần này được đánh giá là nhận được sự chào đón chưa từng thấy của nước chủ nhà, cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Sự thịnh vượng của Phần Lan cũng như của hầu hết các nước Bắc Âu đều phụ thuộc rất lớn vào sự vận hành trơn tru của thương mại toàn cầu mà Bắc Kinh đang cổ súy thay cho Mỹ vốn đang có xu hướng gia tăng bảo hộ. Theo ông Zhong Zhong, Phó chủ tịch trung tâm Quan hệ quốc tế đương đại ở Trung Quốc, Bắc Kinh đang có xu hướng tăng cường mối quan hệ với các nước châu Âu, theo đó: “Đó là dấu hiệu cho thấy Mỹ không phải là kênh ngoại giao và thương mại duy nhất đối với Trung Quốc. Châu Âu cũng rất quan trọng”.
Điều này đang cho thấy một cách tiếp cận vấn đề tỏ ra rất khác biệt của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Trong khi Donald Trump đang khoa trương hết mức có thể về chính sách “America First” của mình và liên tiếp đưa ra những cảnh báo mang tính đe dọa trên Twitter rằng ông Tập sẽ có một cuộc họp đầy khó khăn tại Florida, thì các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh lại đang tìm cách tự định vị mình ở một vị trí mới trên bản đồ thương mại và ngoại giao toàn cầu.
Sự tương phản có vẻ như không chỉ giới hạn trong khía cạnh thương mại. Trước sự hoài nghi của tổng thống Mỹ về hiện tượng nóng lên toàn cầu do các tác động của con người, thì Trung Quốc hiện lại đang đặt mình vào vị trí đứng cạnh liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Miguel Arias Canete, Ủy viên EU về khí hậu, đã tuyên bố trước chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, rằng: “sự hợp tác thành công giữa chúng ta đối với các vấn đề như giảm khí thải và thúc đẩy công nghệ sạch chắc chắn sẽ đem lại kết quả”.
Trên lĩnh vực ngoại giao, Trung Quốc có vẻ như cũng lên tiếng phản đối lời kêu gọi của ông Trump về việc EU nên tính tới phương án giải thể sau sự kiện Anh rời khỏi liên minh. Trong một bài viết được đăng tải trên tờ Helsinki Anh ngữ, ông Tập cho biết: “Trung Quốc cho rằng một sự hội nhập của châu Âu là phù hợp với xu hướng của lịch sử, một châu Âu thịnh vượng và ổn định có lợi cho hòa bình và sự phát triển của thế giới. Chúng tôi tin châu Âu có đủ trí tuệ và khả năng để vượt qua những thách thức. Trong quá trình này, châu Âu có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, thương mại mới là lĩnh vực mà chắc chắn Trung Quốc và châu Âu có thể thu được nhiều thành quả nhất. Bộ trưởng Thương mại Phần Lan, Kai Mykkanen, cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong hệ thống thương mại toàn cầu. Là đối tác thương mại lớn nhất, họ có thể sẽ bị mất mát nhiều nhất nếu như thế giới lâm vào một cuộc chiến tranh thương mại”.
EU hiện là đối tác thương mại chính của Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU sau Mỹ: tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và EU hiện tại đang ở mức hơn 1 tỉ euro (1,1 tỉ USD) mỗi ngày, và thậm chí sẽ còn tăng cao hơn nữa. Sau khi nhắc lại cam kết của mình trong việc ủng hộ tự do thương mại tại hội nghị G20 mới đây, Trung Quốc và EU hiện đang tiến gần đến một mối quan hệ thương mại thậm chí còn mật thiết hơn nhiều so với hiện nay. Theo Olli Rehn, thành viên hội đồng quản trị ngân hàng trung ương Phần Lan đồng thời là cựu ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế và tài chính, cho biết: “Chúng ta không chia sẻ tất cả các giá trị, nhưng chúng ta cùng chia sẻ mục tiêu tự do thương mại”.
Chuyến thăm Phần Lan từ ngày 4-6.4 của ông Tập sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 1995. Theo Jyrki Kallio, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Phần Lan, đối với nước chủ nhà đây là cơ hội để mở rộng tầm nhìn thương mại của họ và bù đắp cho sự sụt giảm về xuất khẩu sang nước láng giềng Nga sau khi các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực cách đây 2 năm. Ở phía ngược lại, Trung Quốc xem đây như một cách để khẳng định lợi ích của mình tại khu vực Bắc Âu, và đặc biệt là ở Bắc Cực.
Trên thực tế, không chỉ có duy nhất Phần Lan đang tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cùng với phái đoàn kinh doanh lớn nhất của nước này đang có chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ. Mikael Mattlin, giảng viên cao cấp tại đại học Turku ở miền Nam Phần Lan, cho biết: “khi Mỹ và thậm chí là cả Anh đang có xu hướng quay lưng lại với tự do thương mại, thì sức hấp dẫn của Trung Quốc trong vai trò một đối tác kinh tế đang tăng lên đáng kể. Chúng ta hãy chờ xem sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong tương lai gần, sẽ không chỉ ở các nước Bắc Âu, mà là cả châu Âu”.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)