Phấn đấu đầu năm 2018 đường sắt Cát Linh-Hà Đông chở khách
Sự kiện - Ngày đăng : 17:45, 06/04/2017
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang làm việc với bên hải quan trong việc nhập khẩu thiết bị vận hành. Từ tháng 4này bắt đầu lắp đặt thiết bị.
Đề cập đến gói vay bổ sung 250 triệu USD (do đội vốn) vẫn chưa được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) “gật đầu” để giải ngân cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ, Thứ trưởng Trường cho rằngvay vốn bổ sung phục thuộc vào Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua và ký kết hiệp định ưu đãi bố sung vẫn đang được phía Việt Nam và Trung Quốc đàm phán. Tuy nhiên, trong tháng 4nguồn vốn sẽ được khai thông, lúc đó Bộ Giao thông vận tải sẽ yêu cầu tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu bù tiến độ.
Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Chính phủ đã “chốt” với Bộ Giao thông vận tải trong quý 1/2018, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông phải đưa vào khai thác thương mại.
Hiện Ban Quản lý dự án đường sắt vẫn đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương triển khai, thực hiện các hạng mục còn lại, đặc biệt là các hạng mục “đường găng” tiến độ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành chạy thử đồng thời khẳng định không lùi các mục tiêu đã đặt ra đối với dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD; trong đó, vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.
Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.
Theo Vietnam+