Nước Mỹ chia rẽ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?
Quốc tế - Ngày đăng : 18:34, 07/04/2017
Sẽ có ít nhất khoảng 8 tiểu bang của nước Mỹ có thể thuộc phe ủng hộ Tổng thống Trump duy trì mối quan hệ hợp tác thương mại ở trong tình trạng hiện tại với Trung Quốc. Đó đều là các tiểu bang có thặng dư thương mại lớn nhất với Trung Quốc hiện nay: dẫn đầu là Louisiana,kế tiếp là thủ đô Washington, Oregon, Alabama và Alaska.
Trong khi Donald Trump liên tục đưa ra các chỉ trích gay gắt nhất về mối quan hệ thương mại bất lợi của Mỹ với Trung Quốc trong quá trình tranh cử, và đe dọa tăng mức áp thuế với hàng hóa xuất khẩu của nước này, thì trên thực tế chính quyền mới của ông Trump lại đang thực hiện một cách tiếp cận khá nhẹ nhàngvấn đề gai góc này.
Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục lặp lại không ngừng về việc cần phải có những thay đổi cơ bản trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Có một điều khá chắc chắn rằng nếu diễn ra một sự thay đổi mô hình thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới theo một cách khác với tình trạng hiện tại, thì nó có thể đồng nghĩa với việc đem lại những hậu quả không thể lường trước. Điều này đặc biệt đúng đối với các tiểu bang đang ở trong tình trạng thặng dư thương mại với Trung Quốc. Có ít nhất 6 bang thuộc diện đó đã bỏ phiếu cho Donald Trump trong cuộc bầu cử, điển hình như Nam Carolina, West Virginia và Montana.
Theo thống kê, trong năm 2016 Mỹ đã chịu một khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên tới 347 tỉ USD, trong đó California chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 tổng mức thâm hụt đó. Theo dữ liệu của Cơ quan quản lý Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, hiện có khoảng 30 tiểu bang ở trong tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc từ 1 tỉ USD trở lên.
Tiểu bang Louisiana, nổi tiếng với các nhà máy lọc dầu và hóa chất, là bang hưởng lợi lớn nhất từ mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong năm ngoái, mức thặng dư thương mại của Louisiana với Trung Quốc đạt khoảng 6,8 tỉ USD.
Trong khi đó thủ đô Washington cũng đạt mức thặng dư khoảng 4,6 tỉ USD với nền kinh tế số hai thế giới. Theo thống kê của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, tổng thặng dư thương mại của tất cả các tiểu bang không ở trong tình trạng thâm hụt với Trung Quốc trong năm 2015 ở Mỹ đạt khoảng 15,4 tỉ USD -phần lớn tập trung ở lĩnh vực thiết bị vận tải.
Một điều đáng chú ý khác làxếp cuối bảng trong danh sách các tiểu bang có thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc lại là 4 trong 5 tiểu bang đông dân nhất của Mỹ. Đáng kể nhất là California, tiểu bang có kim ngạch xuất khẩu cao nhất vào thị trường Trung Quốc là 14,4 tỉ USD, bao gồm máy tính và các thiết bị điện tử trong năm 2016. Tuy nhiên đây cũng là bang có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc diện lớn nhất là144,1 tỉ USD.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Illinois hay New York khinhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của các bang này lớn hơn rất nhiều so với hàng xuất khẩu từ các bang này sang Trung Quốc: chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu tái chế.
Ngay cả trong trường hợp hầu hết các tiểu bang của nước Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc tái cân bằng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thay vì hầu hết đều ở trong tình trạng thâm hụt như hiện nay, thì Tổng thống Donald Trump có lẽ cũng sẽ phải cân nhắc gấp đôi về giải pháp tăng cường các biện pháp trừng phạt thương mại trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. Một biện pháp cứng rắn từ phía ông Trump có thể gây ra những thiệt hại vô cùng lớn với người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ.
Không khó để hình dung được những gì sẽ xảy ra trong thực tế nếu một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hoặc nhẹ nhàng hơn là các biện pháp trừng phạt song phương.Người tiêu dùng Mỹ sẽ thấy giá cả hàng hóa tại các hệ thống siêu thị như Wal-Mart hay Target tăng rất nhanh, còn các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở Trung Quốc hoặc xuất khẩu vào thị trường này sẽ nhanh chóng giảm lợi nhuận một cách đáng kể.
Ở phía ngược lại, những lời hứa hẹn rằng công việc sẽ quay trở lại và tăng thu nhập cho người lao động của ông Trump lại không thực sự chắc chắn và có khá nhiều rủi ro. Chi phí lao động cao, tự động hóa và chuỗi cung ứng sẽ khiến cho việc chuyển nhà xưởng về quê nhà của các công ty Mỹ trở nên khó trở thành sự thực hơn. Tất cả những điều này đang cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể giành được thành công theo kiểu một chiến thắng mang tính biểu tượng hơn là những lợi ích thực sự giành được trong thực tế.
Vì thế, trừ khi New York có thêm nhiều bìa carton và phế liệu kim loại để xuất khẩu sang Trung Quốc hòng cố gắng đảo ngược tình trạng thâm hụt nghiêm trọng vốn có, thì con đường phía trước nhằm thay đổi cán cân thương mại với nền kinh tế thứ hai thế giới của Donald Trump sẽ trở nên vô cùng chông gai. Với tình trạng hiện tại, thật khó có thể ngăn chặnxu hướng thâm hụt thương mại với Trung Quốc của phần lớn các tiểu bang của Mỹ hiện nay.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)