Tuyến tụy nhân tạo dùng cho trẻ bị tiểu đường

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:49, 09/04/2017

Theo Zee News, các nhà khoa học ở Đại học Virginia (Mỹ) đã phát triển được loại tuyến tụy nhân tạo thông minh, tiết ra insulin một cách tự động và kiểm soát bệnh tiểu đường ở trẻ em.

Tiểu đường type 1 (còn gọi là tiểu đường vị thành niên) là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ hormone insulin có vai trò kiểm soát đường huyết, khiến nồng độ đường trong máu tăng cao. Bệnh thường diễn tiến với các triệu chứng trầm trọng, đột ngột, về lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.

Loại tuyến tụy nhân tạo này có thể đeo được bên người, giúp theo dõi nồng độ đường trong máu của bệnh nhân và điều chỉnh lượng insulin tiết ra để giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi hợp lý.

Các chuyên gia đã liên kết 2 thiết bị-bơm insulin và thiết bị theo dõi nồng độ đường trong máu. Họ đã thử nghiệm tuyến tụy nhân tạo trên 6 bé trai và 6 bé gái ở độ tuổi từ 5 đến 8 bị bệnh tiểu đường thể 1. Các cháu được đeo tuyến tụy nhân tạo trong vòng 68 giờ ở nhà. Kết quả là nồng độ glucose hiếm khi tăng lên trên 180 miligam mỗi decilít.

Đặc biệt, trong 73% quãng thời gian đó, những cháu dùng tuyến tụy nhân tạo có nồng độ đường trong máu ở trong phạm vi mục tiêu cho phép (70-180 mg trên mỗi decilít) trong khi những cháu không dùng tuyến tụy nhân tạo thì chỉ số đó là 47% quãng thời gian trên.

Theo Mark DeBoer, phó giáo sư tại Đại học Virginia, cho đến nay, các bậc cha mẹ và bác sĩ đã phải quyết định tiêm bao nhiêu insulin cho trẻ nhỏ trong suốt cả ngày. Nay với tuyến tụy nhân tạo, mọi việc sẽ được giảiquyết ổn thỏa, tiện lợi.

Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị hàng năm lần thứ 99 của Hiệp hội nội tiết ở Orlando, Mỹ.

Vũ Trung Hương

Vũ Trung Hương