TP.HCM tìm cách cứu cá kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè
Sự kiện - Ngày đăng : 20:31, 12/04/2017
Theo đó, ông Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch hạn chế tăng đàn cá, lấy ý kiến góp ý của các sở ngành, quận liên quan và các chuyên gia để trình UBND TP trong tháng 4.2017.
Song song đó, Sở cần tham mưu cho UBND TP bổ sung phân cấp quản lý đoạn rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ đường Út Tịch đến cầu Lê Văn Sỹ cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP quản lý trực tiếp.
Sau khi tiếp nhận, đơn vị quản lý mới phải thường xuyên nạo vét lòng kênh và các giếng nước xả tràn - CSO, kết hợp vận hành hệ thống trạm bơm nước thải và đóng mở của cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước kênh.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên - Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì công tác quan trắc định kỳ môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Đồng thời, Sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, người dân tham gia bảo vệ môi trường kênh rạch; hiểu rõ chức năng tiêu thoát nước của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; những điều cần biết khi phóng sinh cá xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên nạo vét lòng kênh và các giếng nước xả tràn cũng như tổ chức vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Trong một diễn biến khác, nhằm cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến cộng đồng một cách nhanh chóng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, ngày 10.4, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Giao thông Vận tải đã ký quy chế phối hợp về cung cấp thông tin kết quả quan trắc môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử.
Theo đó, thông tin về các chỉ tiêu chất lượng môi trường của TP.HCM sẽ được công bố trên 48 bảng điện tử đang được dùng để thông tin về tình hình giao thông, đồng thời thông tin về tình hình môi trường cũng được đưa lên trang web của sở này.
Việc công khai các chỉ số về chất lượng môi trường được kỳ vọng giúp TP làm rõ tình hình môi trường, qua đó xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Hiện tại, TP.HCM có khoảng 50 nguồn thải có lưu lượng thải lớn từ 1.000 m3/ngày trở lên. Ngoài 16 trạm quan trắc chất lượng môi trường tự động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường còn tổ chức quan trắc bán tự động về tình hình không khí, nước mặt, nước ngầm tại nhiều khu vực khác nhau.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng đã đề xuất UBND TP chấp thuận đầu tư xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Việc xây dựng dự kiến triển khai từ nay đến năm 2020 với kinh phí khoảng 495 tỉ đồng.
Phan Diệu