Nguyễn Thị Phương Thảo: Người phụ nữ làm thay đổi cuộc chơi

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 14/04/2017

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air và Phó chủ tịch HDBank, "gần đây bỗng nhiên phải làm quen với danh từ tỷ phú" bởi vì bà chính là nữ tỷ phú đầu tiên của Đông Nam Á và là 1 trong 2 tỷ phú của Việt Nam hiện nay.

Năm năm trước, Nguyễn Thị Phương Thảo đã hình thành nên hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam.

Trong một ngành công nghiệp vốn đang bị "tung hoành" bởi một hãng hàng không quốc gia từ năm 1951, bà Thảo đặt ra mục tiêu thay đổi hoàn toàn cách mà người Việt Nam đi máy bay kèm dự đoán nhu cầu du lịch hàng không tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Tính đến nay, theo tạp chí Forbes, hãng hàng không của bà Thảo - VietJet Air đang nắm hơn 40% thị trường hàng không Việt Nam.

"Vietjet không chỉ cạnh tranh với hãng hàng không nào nào đó mà đã tạo ra khách hàng mới cho mình. Khoảng 20-30% khách hàng của Vietjet là những người lần đầu tiên đi máy bay. Nếu các bạn từng đến các sân bay nhỏ của Việt Nam như Cát Bi, Gia Lai... sẽ nhận thấy được điều này.

Chúng tôi đã tạo ra cơ hội bay cho nhiều người. Thậm chí có nhiều đường bay quốc tế mà Vietjet là hãng hàng không đầu tiên khai thác, như Bồ Đề Đạo Tràng chẳng hạn...", bà Thảo nói.

Nữ tỷ phú và bikini

Tạp chí Forbes đã đưa bà Nguyễn Thị Phương Thảo vào danh sách các nữ tỷ phú thế giới và hiện bà là nữ tỷ phú duy nhất ở Đông Nam Á, đồng thời là 1 trong 2 tỷ phú ở Việt Nam hiện nay. Người phụ nữ 45 tuổi này đã kiếm được khoản tiền đầu tiên khi chỉ mới 21 tuổi nhờ kinh doanh máy fax và cao su latex, Bloomberg cho hay.

"Tôi chưa bao giờ ngồi yên một chỗ và đếm xem mình có bao nhiêu tiền", bà từng nói với Bloomberg vào năm ngoái. "Tôi chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng của công ty, làm thế nào để tăng mức lương trung bình cho nhân viên của tôi, làm thế nào để lãnh đạo hãng hàng không của chúng tôi đạt được nhiều thị phần hơn và làm cho nó trở thành số một".

Hầu hết cáccâu nói này đãđược bà nhắc lại tại Hội nghị Phụ nữ (Women's Summit) 2017 do Forbes tổ chức ở TP.HCM ngày 12.4.2017.

VietJet từng khiến nhiều người bất ngờ khi ra mắt vào năm 2011 qua hình ảnh quảng cáo gây tranh cãi với các tiếp viên hàng không trong bộ bikini, hay là màn trình diễn bikini trong điệu nhảy Hawaii ngay trên chuyến bay nhằm "mang đến niềm vui cho khách hàng", mà sau đó đã bị Cục Hàng không phạt 20 triệu đồng vì không xin phép trước. Cũng vì thế mà nhiều tờ báo quốc tế hay gọi Vietjet là "hãng hàng không bikini".

"Chúng tôi không quan tâm đến việc người ta liên kết hãng hàng không của mình với hình ảnh bikini", bà Thảo từng nói với Bloomberg. "Nếu được cho làm lại như thế tôi vẫn sẽ làm" bởi vì "việc gì làm cho mọi người hạnh phúc thì chúng tôi hạnh phúc", bà chia sẻ thêm tại Women's Summit 2017.

Bà Thảo cho rằng lần bị phạt đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp chứ không phải là chiêu marketing như mọi người bàn tán. Nhưng nó lại mang thông điệphướng đến sự tự do cao nhất của con người màVietjet muốn gửi đến mọi người, kể cả nhân viên và hành khách của mình,rằngai cũng có quyền mặc mọi thứ mà mình thích và thấy hạnh phúc. "Người khác có thể thích hay không thích nhưng tôi thấy vui, tôi thấy hạnh phúc là được", bà nói.

Lần trình diễn bikini trên máy bay của Vietjet

Nguyễn Thị Phương Thảo nói rằng bà hy vọng mở rộng hãng Vietjet thông qualiên doanh quốc tế.

Phải cónhẫn nại và bao dung

Trả lời cho câu hỏi "con đường trở thành tỷ phú", bà Thảothật lòng: "Gần đây bỗng dưng tôi phải làm quen với danh từ tỷ phú. Thú thật tôi chưa quen với danh từ này bởi vì trong suốt 30 năm làm doanh nhân cho đến nay, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền cả và cũng chưa bao giờ đặt mục tiêu phải trở thành tỷ phú vào lúc nào hết".

Nói về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hiện nay, nữ tỷ phú Việt Nam chia sẻ cách của mình là "cứ mang chất phụ nữ vào trong kinh doanh và ngược lại mang cái chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp, kiến thức hàn lâm, vấn đề về nhân sự, cách đối diện với pháp luật... cái gì tốt nhất thì mình lại mang nó về nhà".

Nhưng bà lưu ý, "nếu không có một chút nhẫn nại, một chút bao dung thì sẽ khó đi đến thành công ở môi trường kinh doanh, hợp tác ở Việt Nam".

Về bình đẳng giới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo quan niệm đơn giản là hãy cho đi và đừng mong chờ được nhận lại điều gì: "Khi mình cho đi với tất cả cái tâm hay với sự bao dung của người phụ nữ, sự dịu dàng và nhân văn của mình thì hy vọng mọi người sẽ nhìn nhận, tất nhiên là bằng cả những nỗ lực của mình về mặt chuyên môn nghề nghiệp, nhờ đó chúng ta sẽ điđến sự bình đẳng.

Còn nếu chúng ta chỉ kêu gọi, không cống hiến, không đóng góp mà cứ đòi hỏi người ta phải ghi nhận mình về quyền này quyền kia, về sự đối xử nọ kia thì có khi nó chỉ là một chiều thôi.

Khổng Tử có nói người phụ nữ có trách nhiệm gấp 3 lần người thường thì bây giờ mình cứ nỗ lực gấp 3 lần đi và đừng đòi hỏi người ta phải công nhận. Nếu người ta công nhận thì mình coi đó là món quà trong cuộc sống còn nếu không được thì đó là lẽ đương nhiên".


Bà Phương Thảo tại Women's Summit 2017 do Forbes tổ chức.

Theo CEO Vietjet, thách thức lớn nhất đối với nữ doanh nhân Việt Nam hiện nay là làm sao vừa đảm nhiệm thiên chức của người phụ nữ mà vẫn đảm nhận tốt vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp của mình, tức là phải hài hoà giữa nhiều công việc khác nhau.

"Tại công ty của mình tôi hay nói rằng ở đây không có phái yếu, chỉ có phái mạnh và phái cực mạnh thôi. Nhưng rồi khi trở về nhà chúng ta vẫn là người phụ nữ, phải quán xuyến việc nhà rồi việc ăn uống sao cho tươm tất thơm tho, phải làm sao hài hoà được các mong muốn của mẹ chồng, họ hàng, của nhà mình và cả các nghĩa vụ giữ văn hoá, nếp ăn ở, rồi đến quà cáp rồi phải nhớ các ngày lễ lạt... Tức là mình phải có đủ thời gian để thực hiện các việc đó nhưng làm với cái tâm, sự chân thành và hiểu biết.

Và như Khổng Tử nói, thôi thì mình cứ nỗ lực gấp 3 bình thường vậy, chứ biết phải làm sao?", người phụ nữ tên Nguyễn Thị Phương Thảo sẻ chia.

Anh Thư

Anh Thư