TP.HCM lập đoàn liên ngành giám sát về an toàn thực phẩm
Sự kiện - Ngày đăng : 19:37, 15/04/2017
Ngày 15.4, UBND TP.HCM phối hợp cùng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã tổ chức lễ phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.
Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức lễ phát động tháng hành động ở 3 cấp gồm: cấp thành phố, cấp quận huyện và cấp phường xã, thị trấn. TP cũng sẽ thành lập một đoàn liên ngành để giám sát công tác quản lýnhà nước vềan toàn thực phẩmtạiUBND24 quận huyện trong đợt triển khai tháng hành động năm 2017 và đi kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý.
UBND TP đã giao cácsở chuyên ngành tùy theo yêu cầu để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế, giết mổ, sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh rau, thịt, thủy sản và rượu.
Trong khi đó, UBND quận huyện có nhiệm vụ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác triển khai tháng hành động ở tuyến phường,xã,thị trấn; các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh rau, thịt, thủy sản; cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn…
Thời gian thực hiện chương trình này kéo dài từ ngày 15.4đến 15.5.2017.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nói rằng các cơ quan chức năng của TP sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi lưu thông, mua bán hóa chất (dùng trong nông nghiệp), kháng sinh cấm; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… ngoài danh mục được phép sử dụng.
Song song đó, những cơ quan được giao nhiệm vụ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt, TP sẽ cho ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng lưu thông trên thị trường.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong thời gian qua, TP đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong công tác quản lý an toàn thực phẩm như: xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn; phối hợp các tỉnh giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm…
Ngoài ra, TP còn xây dựng đề án quy hoạch giết mổ tập trung; xây dựng mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt. Qua đó, TP.HCM đã từng bước kéo giảm và kiểm soát việc sử dụng chất cấm trên heo; giảm tỷ lệ nhiễm kháng sinh trên thủy sản.
Đáng chú ý, trong nhiều năm liền, TP.HCM không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu. TP cũng là địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng cho phép thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm nhằm thực hiện công tác quản lý chất lượng thực phẩm nhanh, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn còn phức tạp, cần tập trung giải quyết.
Phan Diệu