Kết thúc có hậu cho câu chuyện ghép gan có cấu trúc lạ từ mẹ sang con
Thông tin Y học - Ngày đăng : 06:04, 18/04/2017
Chiều 17.4 thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, bệnh viện này vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan phức tạp nhất từ trước đến nay. Đây còn làca ghép gan lớn tuổi nhất mà bệnh viện này thực hiện thành công từ trước tới nay.
Bệnh nhân ghép gan là bé trai Dương Gia Khiêm (10 tuổi, quê Bạc Liêu); còn người cho gan là chịPhạm Thủy Tiên (40 tuổi, mẹ bé Khiêm).
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2cho biết cuộc phẫu thuật ghép gan cho bé trai này bắt đầu lúc 8 giờ 30 và kết thúc vào khoảng 20 giờ 30 ngày 28.3.2017. Ca phẫu thuật do GS.BS Trần Đông A - Trưởng ê kíp phẫu thuật cùng với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và giáo sư đến từ Vương quốc Bỉ thực hiện.
Tuy nhiên sau khi ghép gan xong khoảng 6 ngày, bé trai này bị biến chứng tràn dịch dưỡng trấp. Mặc dù vậy, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nhanh chóng xử lý kịp thời bằng một chế độ ăn thích hợp nên sau 1 tuần bệnh nhân đã phục hồi.
“Hiện sau 3 tuần ghép gan bé trai này đã khỏe mạnh. Bệnh nhân hết vàng da, không sốt, lên cân, ăn uống ngon miệng. Các xét nghiệm và siêu âm gan đã trở về tương đương với người bình thường. Riêng mẹ bé trai này sức khỏe đã ổn định được xuất viện sau 10 ngày phẫu thuật”, bác sĩ Thủy cho hay.
Phân tích sự phức tạp của trường hợp ghép gan này, GS.BS Trần Đông A - Trưởng ê kíp ca ghép gan cho biết bé trai này lớn tuổi nên gan ghépphải đảm bảođủ thể tích; đảm bảo mạch máu qua gan (qua tĩnh mạch cửa) tốt; đảm bảo mạch máu ra khỏi gan tốt và cuối cùng là đường mật phải thông.
Tuy nhiên người cho gan là mẹ của bé trai này lại có cấu trúc bất thườngmạch máu ở gan. Lúc này để lấy nguyên gan trái của người mẹ là rất phức tạp vì người mẹ này có đến 2 động mạch gan.
Riêng đối với bé trai này lại có lá lách rất to và tăng áp lực tĩnh cửa. “Tĩnh mạch lách là một phần của tĩnh mạch cửa. Cháu bé này 10 tuổi nên lá lách rất to khiến tiểu cầu giảm. Lượng tiểu cầu của bé trước mổ chỉ còn 29.000 (bình thường là 130.000 đến 400.000 tiểu cầu) nhưng lại không được phép truyền nhiều tiểu cầu. Vì truyền nhiều trong quá trình ghép dễ gây ra tắc mạch”, giáo sư Trần Đông A giải thích.
Trước tình hình trên, ê kíp phẫu thuật ghép gan Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cùng với 2 giáo sư Vương quốc Bỉ tiến hành hội chẩn và đi đến quyết định không truyền nhiều tiểu cầu, chỉ truyền vừa đủ, khoảng 50.000 tiểu cầu để mổ. Khi mổ êkíp phẫu thuật quyết định cột động mạch lách để làm giảm lượng máu đến lá lách nhằm giảm lượng máu từ lách đi qua gan trong quá trình nối.
“Mặc dù vậy khi ê kíp ghép gan vừa nối xong tĩnh mạch cửa đã gây chèn ép gan khiến bé trai vàng mắt, vàng da. Hơn nữa bé trai này đã phẫu thuật kasai rất lâu nên gan dính sát vào mặt dưới của cơ hoành, và dính ruột rất chặt. Ê kíp phẫu thuật phải mất rất nhiều thời giản để tách khối gan ra khỏi chỗ dính.
Chính việc tách lâu như vậy làm tổn thương mạch cheo (nơi dẫn hệ bạch huyết về tim) gây ra tình trạng tràn dịch dưỡng trấp. Các bác sĩ phải hồi hộp theo dõi suốt cả tuần sau ca ghép gan. Rất may cuối cùng mọi việc cũng đã diễn ra suôn sẻ”, giáo sư Đông A chia sẻ.
Hồ Quang