16 năm ngày mất Trịnh Công Sơn: Còn đó 1 chút hư vô...
Văn hóa - Ngày đăng : 06:19, 21/04/2017
Trịnh đã nói như vậy. Và 16 năm khói sương bảng lảng ông rời cõi tạm, Trịnh vẫn sống trong trí nhớ người đời. Có lẽ bây giờ Trịnh đã đến được “nhà”, thoát khỏi cảnh “ở trọ” trần gian. Nhưng rồi con người đó, với ý thức về sự tồn tại xác thịt hết sức mong manh, liệu có cảm thấy rằng, ở “trên cao kia” rồi cũng chỉ: “Ơ hay là một vòng sinh – Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”. Có cảm giác, Trịnh luôn trăn trở; khi hun hút mắt sâu đọc mẩu tin dữ về quê hương điêu tàn lửa khói; lúc tay gầy dạo trên những phím đàn; khi du ca giữa sân trường rợp lá; và cả khi yêu… Nên nhạc của Trịnh, cũng bời bời trăn trở - nỗi lòng của một người muốn thấu suốt cả “cõi tạm” này.
Người ta biết đến Trịnh từ âm nhạc, hiểu Trịnh qua âm nhạc, nhớ về Trịnh cũng bằng âm nhạc. Nhưng chỉ âm nhạc thôi, thì khó thể nào tạo ra một không gian có sức ảnh hưởng lớn đến đời sau như thế. Trịnh không chỉ là âm nhạc, Trịnh là văn hóa, một nét văn hóa đặc trưng mang tên Trịnh Công Sơn. Đáng để cho người đời nghiên cứu. Công nhận hay không công nhận, Trịnh từ lâu cũng đã trở thành một dòng chảy nhỏ, réo rắt hòa chung với dòng sông văn hóa Việt, cách sống Việt.
Trịnh không chỉ có âm nhạc, ông còn có tranh, có thơ, và lời… Lời Trịnh nói hay viết, “gió bay” hay là bút ký, cũng giống như thơ, như nhạc. Câu từ, ý tứ, rót đến đâu, thấm đẫm đến đó. Và dư vị mát lành, sắt se hay đắng đót tùy theo lúc đó Trịnh đang nói về cái gì. Đa phần đều nhẹ tênh: “Không khí vốn vô tư. Ai muốn thở cũng được.Tôi vốn viết nhạc cũng như thở vậy.Có điều khi thở tôi chọn cái không khí trong lành để cho lá phổi không than phiền và cái sự hô hấp cũng bớt đi phần gian nan.Một bài hát cũng vậy. Hát để thăng hoa đồng thời cũng để an ủi. Sản phẩm văn nghệ chỉ đẹp khi có khả năng xóa đi những nỗi giận hờn. Nó có bao giờ muốn đèo bòng một thứ khác để tự hủy diệt nó đâu...”.
Muốn hiểu về Trịnh, phân tích âm nhạc của Trịnh, hẳn phải nghe qua, biết qua “lời” này. “Viết và thở”. Có người hỏi, Trịnh chọn không khí trong lành để … “thở cho đỡ mệt”, vậy tại sao đôi khi trong ca từ cũng còn thở than? Than thôi, ai cũng có khi mệt nhoài và xin “Cho ta nương nhờ chút thở than”. Ngắm nhìn Trịnh kỹ hơn một chút, sẽ thấy Trịnh chưa bao giờ trách cứ. Thở than nhưng chưa bao giờ trách cứ: “Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc. Do đó khi tôi viết lên một bài hát ca tụng tình yêu, hạnh phúc hoặc than thở về một nỗi tuyệt vọng nào đó thì hình như tôi đã không mắc phải một lỗi lầm nào cả...”.Không vướng bận, nên Trịnh cứ thế, nhẹ bẫng trên từng bước đi, và nhẹ bẫng khi hòa vào cực lạc.
16 năm, nhạc Trịnh ngân nga không dứt đã đành, lời của Trịnh cũng thế. Nếu như nhạc của Trịnh là một cuốn sách, thì lời của Trịnh chính là con người đời thực của tác giả. May thay, cả hai có sự tương đồng sâu sắc, nhạc cũng như người. Đáng tiếc “lời của Trịnh” cho đến hiện giờ lớp hậu sinh vẫn cứ phải lang thang “góp nhặt”. Từ những người bạn của Trịnh, bút kí còn sót, qua những lá thư tình. Đâu đó có những từ điển điện tử về Trịnh Công Sơn, khá đầy đủ, nhưng không hiểu sao chưa được phổ biến mạnh mẽ. Và câu chuyện “tác quyền Trịnh Công Sơn” cũng là một nốt lặng rất dài với người đã khuất.
Thôi thì mượn lời tiếp tục của Trịnh trong câu nói đã trích từ phía đầu bài, rằng: “… Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người. Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hóa cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn mãi là còn...!
Như một dự cảm, Trịnh Công Sơn chính là “cái mất không bao giờ mất hẳn”…
Hồ Ngọc Giàu