Chính thức thông qua đề án thành lập thành phố Sầm Sơn
Sự kiện - Ngày đăng : 12:01, 19/04/2017
Theo tờ trình của Chính phủ, thành phố Sầm Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 44,94 km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn, bao gồm: 8 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh) và 3 xã (Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại). Việc thành lập thành phố Sầm Sơn bảo đảm các điều kiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tờ trình cho biết, việc thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn là cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Sầm Sơn nói riêng; bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển đô thị của thị xã, góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của thị xã Sầm Sơn nói riêng và cả tỉnh Thanh Hóa nói chung; tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, bảo đảm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của các xã này đã có bước phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra…
Bên cạnh đó, thị xã Sầm Sơn là trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh và cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng giữa tỉnh Thanh Hóa với cả nước trên trục đường Bắc – Nam.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016 đạt 18,27%; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2016 đạt 2.569 tỉ đồng, thu ngân sách đạt 414,27 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm... Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đã định hướng xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia; quy hoạch là thành phố thuộc tỉnh đến năm 2020.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc thành lập các 4 phường này và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa là nhu cầu khách quan, phù hợp với các quy hoạch chung, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thị xã Sầm Sơn; tạo động lức to lớn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, việc thành lập mới 4 phường và thành phố Sầm Sơn không tăng đơn vị hành chính do đó không làm tăng tổ chức biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện có của thị xã Sầm Sơn để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn đô thị.
Ngoài ra, trong tình hình nợ công cao, ngân sách nhà nước hạn hẹp, Chính phủ và địa phương cần phải có giải pháp cụ thể và thích hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng; kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư; khai thác quỹ đất, thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động sự đóng góp của nhân dân, xã hội hóa trong thực hiện các dự án ở cơ sở.
Tại phiên họp 100% đại biểu có mặt thống nhất thông qua đề án thành lập thành phố và 4 phường thuộc Sầm Sơn.
Hoài Phong