Thủ tướng đối thoại với 2.000 công nhân miền Trung
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:32, 22/04/2017
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng có cuộc gặp gỡ công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) các tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung sau cuộc gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tiếp với CNVC-LĐ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dịp 30.4.2016.
Năm nay, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khởi động Tháng công nhân 2017 với chủ đề “Công nhân lao động đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng năng suất lao động và phúc lợi cho đoàn viên, người lao động”.
Tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), đại diện của 2.000 lao động, doanh nghiệp đã có những câu hỏi dành cho Thủ tướng "để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, vì mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho DN làm ăn phát đạt, kinh tế nước nhà đi lên và đời sống, thu nhập của người lao động được cải thiện".
Nhiều câu hỏi được công nhân thẳng thắn đặt ra như việc dù đời sống còn khó khăn nhưng công nhân vẫn cố gắng đóng các chế độ bảo hiểm đầy đủ. Trái lại, còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm của mình khiến cho có công nhân không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nhận định về việc này, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng BHXH là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Có lúc thống kê tới hàng chục ngàn doanh nghiệp không đóng BHXH, trị giá tới hơn 15 nghìn tỉ đồng; hàng trăm ngàn công nhân có nguy cơ bị mất quyền lợi.
Chính phủ đã tích cực xây dựng các quy định của pháp luật như cho phép cơ quan BHXH được thanh tra quá trình đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; quy định tội trốn đóng BHXH trong Bộ luật Hình sự: Người trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù, doanh nghiệp trốn đóng BHXH bị xử phạt đến 3 tỉ đồng.
“Với cương vị là Thủ tướng Chính phủ, tôi cam kết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định của pháp luật. Tôi tin rằng những giải pháp quyết liệt như thế sẽ đủ sức răn đe những doanh nghiệp có ý định trốn đóng BHXH cho người lao động”, ông Phúc nói.
Anh Nguyễn Ngọc Quang, công nhân Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt câu hỏi:“Công nhân luôn muốn có việc làm ổn định, nhưng ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nhân độ tuổi từ 35 - 40 trở lên khó có cơ hội việc làm. Thủ tướng có chính sách gì để giúp công nhân đảm bảo việc làm khi còn độ tuổi lao động?”.
Về việc này, Thủ tướng nhận định rằng hiện nay các doanh nghiệp có dây chuyền hiện đại đều muốn sử dụng lao động trẻ và “né tránh” những lao động trung, cao tuổi. Lý do dễ hiểu là sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên sẽ không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng được sức lao động cường độ cao.
Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng muốn tăng năng suất lao động đòi hỏi nhiều ở công nghệ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên có công nghệ và máy móc thiết bị lạc hậu.
“Chính phủ đã và sẽ có biện pháp gì để khuyến khích họ đầu tư công nghệ?”, ông Nguyễn Đức Trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đặt câu hỏi.
Trả lời việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92; hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế; nhiều đề tài chưa sát thực tế, cơ chế chính sách còn chưa phù hợp, chưa phát huy được nhiều nguồn lực xã hội vào phát triển khoa học và công nghệ.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; nhận chuyển giao và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
“Riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đúng là phần lớn doanh nghiệp chỉ ở mức vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu. Chính phủ sẽ yêu cầu chính quyền các địa phương quan tâm hơn, có chính sách động viên khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt là tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, trong đó những sản phẩm nông sản có thế mạnh như cà phê, ca cao, hồ tiêu đảm bảo sạch, an toàn…”, ông Phúc nói.
Chị Nguyễn Thị Vân Thảo, công nhân Công ty HBI (Huế) quan tâm tới việc sắp tới khi Bộ luật Lao động được sửa đổi, chính sách lao động nữ có được duy trì hay bổ sung thêm sự quan tâm nào mới không.
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng mong rằng các tổ chức, đặc biệt là tổ chức công đoàn cần đổi mới công tác đào tạo cán bộ nữ công, cán bộ lãnh đạo công đoàn là nữ và coi trọng vấn đề giới trong công tác cán bộ phù hợp với tình hình hiện nay; tích cực phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng Quy chế quản lý nhà trẻ, mẫu giáo trong các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Buổi đối thoại diễn ra từ lúc 7 giờ 15 đến 10 giờ sáng 22.4 đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các công nhân, người lao động và đại diện doanh nghiệp. Đây là một động thái nhằm lắng nghe trực tiếp và có những lời hứa với các tầng lớp công nhân viên chức về một cuộc sống tốt đẹp hơn như cam kết ban đầu của ông Phúc lúc mới lên nhậm chức Thủ tướng là xây dựng một "chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động".
Sau tuyên bố đó, Thủ tướng và Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã tạo được dấu ấn với cộng đồng doanh nghiệp bằng việc đối thoại trực tiếp với doanh nhân, gặp gỡ trực tiếp công nhân lao động và hàng loạt các hành động cụ thể khác trong điều hành của Chính phủ.
Tại chương trình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tặng 20 ngôi nhà “Mái ấm công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tương đương 1 tỉ đồng. UBND TP.Đà Nẵng cũng đồng hành cùng Chính phủ, tặng 10 nhà “Mái ấm công đoàn” với giá trị 500 triệu đồng.
Lê Đình Dũng