Tỉnh Quảng Ngãi xin làm đến cả thủy điện 'siêu nhỏ' 0,7 MW
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:20, 24/04/2017
Nhiều nhà đầu tư đến đề xuất UBND tỉnh
Ngày 18.4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký công văn số 2202/UBND-CNXD gửi Sở Công Thương nêu: “Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu và đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát, bổ sung các dự án thủy điện vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh Quảng Ngãi”.
Ông Căng yêu cầu Sở Công Thương triển khai rà soát, đánh giá cụ thể, toàn diện việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh hiện nay; đồng thời cập nhật và báo cáo tổng thể việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, kể cả các dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát.
“Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá nêu trên tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét việc lập quy hoạch điều chỉnh, bổ sung các dự án thủy điện vào quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Ngãi, đảm bảo khai thác có hiệu quả các vị trí, khu vực có tiềm năng về thủy điện trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Sở Công Thương triển khai thực hiện báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4.2016”, công văn ông Căng ký nêu rõ.
Cũng trong ngày 18.4, ông Căng ký quyết định số 703/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sông Liên 1 (chủ đầu tư là Công ty TNHH thủy điện Sông Liên, địa chỉ trụ sở chính thôn Suối Loa, xã Ba Động, huyện Ba Tơ).
Công suất nhà máy thủy điện này là 15MW với 2 tổ máy được xây dựng tại 2 xã Ba Động, Ba Thành huyện Ba Tơ. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 122,7 ha với tổng vốn đầu tư 404 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 101 tỉ đồng, vốn vay là 303 tỉ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện và hoàn thành dự án từ năm 2016-2019.
Theo quyết định của tỉnh Quảng Ngãi, dự án này được xây dựng tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên chủ đầu tư sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về tiền thuê đất (quyết định cho thuê 50 năm).
Xinxây dựng cả thủy điện siêu nhỏ 0,7 MW
Trước đó, ngày 17.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc bổ sung dự án thủy điện Núi Ngang (xã Ba Liên, huyện Ba Tơ) vào quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Quảng Ngãi.
Theo tỉnh này, dự án thủy điện Núi Ngang hiện chưa có trong quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Ngày 30.9.2016, UBND tỉnh đã có công văn đồng ý để Công ty TNHH Đầu tư xây dựng HDT (chủ đầu tư) tiến hành nghiên cứu, khảo sát làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình cấp thẩm quyền bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh.
Trên cơ sở khảo sát, nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án thủy điện Núi Ngang (thủy lợi kết hợp thủy điện) ở xã Ba Liên với công suất 0,7 MW với tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng. Tổng diện tích đất để phục vụ dự án là 4.217m2, tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2017-2019.
Tỉnh này cho rằng: “Đây là dự án thủy điện kết hợp thủy lợi, chỉ tận dụng lượng nước cấp cho hạ du vào các tháng mùa khô và lượng nước thừa vào mùa lũ để phát điện. Toàn bộ diện tích đất dự kiến xây dựng dự án thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi nên mức độ ảnh hưởng của dự án đến dân sinh, kinh tế và môi trường không lớn. Cụ thể không phải tổ chức di dân tái định cư, không thu hồi, ảnh hưởng đến rừng phòng hộ tại địa phương, dự án có nhiều thuận lợi trong việc đấu nối vào lưới điện khu vực và được sự đồng tình, nhất trí cao của các sở, ngành và địa phương”.
“Do đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi kính đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thống nhất bổ sung dự án thủy điện này vào quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn”.
Chưa dừng lại, trước đó vào ngày 11.4.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng đã ký công văn gửi các Sở Công Thương, TN-MT, UBND huyện Ba Tơ… đề nghị đi kiểm tra một vị trí mà doanh nghiệp đề xuất làm dự án thủy điện.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân đã có văn bản xin tỉnh này cho chủ trương lập báo cáo bổ sung dự án thủy điện Thượng Sông Liên vào quy hoạch dự án thủy điện tỉnh Quảng Ngãi.
Từ đó, ông Căng đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở TN-MT, NN-PTNT, UBND huyện Ba Tơ và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tại vị trí mà công ty Thiên Tân đề xuất. Ông Căng cũng lưu ý rằng trong quá trình kiểm tra cần xem xét về diện tích chiếm đất rừng phòng hộ của dự án, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Dân năn nỉ
>>Quảng Ngãi: 71.000 dân năn nỉ tỉnh đừng xây thủy điện
Tại tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2014 cũng từng xảy ra câu chuyện Bí thư huyện Sơn Hà đã đứng ra thay mặt 71.000 dân ‘năn nỉ’ tỉnh không xây dựng 3 dự án thủy điện đang quy hoạch trên địa bàn để tránh những viễn cảnh đau lòng.
Vào thời điểm đó, tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Công Thương quy hoạch thêm 3 dự án thủy điện thuộc địa bàn huyện Sơn Hà là Sơn Trà 1 nằm trên sông Xà Lò do công ty CP 30-4 Quảng Ngãi đầu tư với công suất lắp máy 42 MW, dung tích hồ chứa 5,479 triệu m3.Thủy điện Đakđrinh 2 do công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung đầu tư, công suất lắp máy 13 MW, dung tích hồ 9,3 triệu m3, cách trung tâm huyện Sơn Hà khoảng 5 km. Thứ 3 làthủy điện Trà Khúc 1 (thuộc xã Sơn Giang, cách trung tâm huyện Sơn Hà khoảng 8km, do công ty Cổ phần thủy điện Huy Măng đầu tư, công suất lắp máy 36 MW và hồ chứa nước là 11,07 triệu m3.
Theo quy hoạch này, huyện Sơn Hà với thị trấn Di Lăng và hàng ngàn dân cư của các xã nằm hai bên sông đã bị bao trọn thành một thung lũng. Đó là lý do mà ngườidân năn nỉ tỉnh đừng xây thủy điện.
Tuy nhiên mới đây, ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý về mặt chủ trương cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Trà Khúc 1; yêu cầu chủ đầu tư tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ dự án báo cáo UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
Từng loại nhiều dự án
Tính đến thời điểm năm 2013, toàn tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch 25 dự án thủy điện với tổng công suất là 438,6 MW. Sau đó qua hai đợt rà soát và loại khỏi quy hoạch thì còn 18 dự án. Tiếp tục trong năm nay, tỉnh Quảng Ngãi đã trình lên Bộ Công Thương xem xét loại khỏi quy hoạch thêm 6 dự án.
Tất cả những dự án xin loại bỏ đều có nguyên nhân là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cộng đồng dân cư không đồng nhất và không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.