‘Đưa chăn nuôi vào ngành kinh doanh có điều kiện sẽ ‘giết’ hộ kinh doanh nhỏ lẻ’

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:40, 25/04/2017

Đó là phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trước đề xuất cho rằng ngành chăn nuôi cần phải được đưa vào danh sách kinh doanh có điều kiện.

Doanh nghiệp lại phải “giải cứu” thịt lợn?

Tại hội nghị nhằm giải cứu ngành chăn nuôi vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng giá lợn giảm thê thảm là nguồn cung lớn hơn cầu; quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi, quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi; chế biến, tiêu thụ vẫn chủ yếu là bán tươi theo kiểu truyền thống. Công tác tổ chức thị trường cũng bộc lộ không ít yếu kém cả trong nội địa lẫn xuất khẩu, chưa xâm nhập được vào thị trường lớn, nhất là Trung Quốc.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng: “Trước mắt phải giảm ngay yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y. Đây là vấn đề đầu tiên và các doanh nghiệp cần thực hiện ngay tức thì bằng cách rà soát lại các công đoạn quản trị, quy trình sản xuất.

“Thậm chí lúc này doanh nghiệp có thể bán hàng không cần lấy lãi nhằm chia sẻ với người chăn nuôi. Sự chia sẻ này chính là cách chúng ta nuôi dưỡng, duy trì sự bền vững của ngành hàng và đối tượng phục vụ của mình”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, các doanh nghiệp chế biến cũng cần đẩy mạnh thu mua lợn cho bà con để tạm trữ kho lạnh phục vụ chế biến. Nếu doanh nghiệpcùng đồng hành thì sự khó khăn của nông dân sẽ được chia sẻ.

Về đề nghị các doanh nghiệp tham gia giải cứu ngành chăn nuôi, các chuyên gia cho rằng đây có thể là giải pháp tạm thời cho ngành chăn nuôi nhưng về lâu dài thì không thể được.

Các doanh nghiệp lớn được đề nghị giải cứu thịt lợn

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng biện pháp này cũng đúng đắn trong trước mắt, bởi trên thực tế lợn nuôi cũng chỉ có lứa, đến lứa mà không bán thì rất khó khăn cho nông dân. Hơn nữa bây giờ khi việc chế biến chưa phát triển nhiều thì nên động viên những doanh nghiệp họ có phương tiện để có thể chế biến cho nông dân, để giúp cho thịt lợn có thể tiêu thụ trên thị trường.

“Tuy nhiên, đây chỉ có thể coi là biện pháp tạm thời mà thôi còn về lâu dài thì không được. Cần phải sắp xếp, tổ chức lại ngành chăn nuôi, hạn chế hộ nông dân nhỏ lẻ và sản xuất với thông tin thị trường”, bà Lan nói.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng chia sẻ rằng, trong một nền kinh tế thị trường thì việc chỉ đạo các doanh nghiệp giải cứu cho một sản phẩm nào đó là phi thị trường, bởi còn phụ thuộc vào năng lực và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này chỉ có thể thực hiện khi có sự đồng thuận của doanh nghiệp. Do đó, đây không phải là giải pháp có thể trông cậy trong thời gian dài.

Theo đó, giải pháp là tăng cường năng lực chế biến, bởi vì đây là khâu rất yếu của Việt Nam. Cùng với đó là cơ quan chức năng phải mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, chứ tiểu ngạch như hiện nay thì nông dân sẽ rất thiệt thòi.

Không nên đưa chăn nuôi vào kinh doanh có điều kiện

Trong khi đó, tại hội nghị tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi tổ chức ngày 24.4,ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Đầu tư Anh Dũng cho rằng cần quy định ngành này là ngành chăn nuôi, kinh doanh có điều kiện, không thể cứ muốn là mở, bởi vì có tới 50% hộ chăn nuôi là nhỏ lẻ, khó kiểm soát tăng đàn và nảy sinh các vấn đề về môi trường.

Chuyên gia Phạm Chi Lan không tán thành việc đưa chăn nuôi vào ngành kinh doanh có điều kiện, bởi vì hiện nay còn khoảng 3 triệu hộ nông dân nuôi lợn cá thể.

“Bây giờ phát triển kinh tế thị trường thì chỉ những ngành nghề thật sự thiết yếu mới đưa vào nghành nghề kinh doanh có điều kiện thôi. Nếu đưa chăn nuôi vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì khác nào giết hết các cơ hội của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chỉ để cho các doanh nghiệp sống thì không thể được”, bà Lan nhấn mạnh.

Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó khăn nếu đưa chăn nuôi vào ngành kinh doanh có điều kiện

Theo đó, chuyên gia này cho rằng thay vì áp điều kiện kinh doanh thì nên tổ chức lại, hướng dẫn, cung cấp đầy đủ thông tin thị trường cho người nông dân. Bên cạnh đó, cần phải có hệ thống kiểm soát, vừa là giáo dục, vừa chế tài chặt chẽ, không được để xảy ra tình trạng vi phạm trong chăn nuôi.

“Chỉ nên đưa ra các quy chuẩn hướng dẫn một cách rõ ràng rồi chính quyền các cấp phải lo quản lý chứ tuyệt đối không thể nào để tình trạng người ta thích làm gì cứ làm”, bà Lan nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo bà Lan, khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn một phần là do niềm tin của người tiêu dùng, người ta không dám mua những loại lợn trôi nổi dù cho giá rẻ mà sẵn sàng vào siêu thị mua, dù đắt hơn nhưng thấy yên tâm. Những siêu thị có tổ chức tốt, có thể đảm bảo được nguồn gốc thì họ có thể khiến người tiêu dùng yên tâm hơn vào nguồn gốc.

Về giải pháp đầu ra cho ngành chăn nuôi, bà Lan cho rằng trước hết phải tính toán lại thị trường, bởi lâu nay nông nghiệp đang làm theo kiểu cứ thấy giá cả trên thị trường cao thì ào vào làm, lao vào mà làm... tất cả.

Bà Lan cho rằng những tín hiệu thị trường nhiều khi bị nhiễu và không phản ánh được bức tranh thị trường một cách ốn định, chính xác. Do đó, phải tính được dung lượng thị trường một cách tương đối, có thể nhiều lên hoặc cũng có thể ít đi tùy từng thời điểm.

“Điều đáng lo nhất chính là những chỉ dẫn và những tín hiệu thị trường từ Trung Quốc, để cho thương lái Trung Quốc thao túng là tệ hại nhất. Nhà nước phải giúp cho những người chăn nuôi người ta hiểu được và không vì cái hám lợi trước mắt mà chạy theo”, bà Lan cho hay.

Hoài Phong

Trí Lâm