Đấu giá biển số xe: Tính toán giữa lợi ích và chi phí, hiệu quả quản lý
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:52, 26/04/2017
Biển số xe là tài sản hay công cụ quản lý?
Trả lời báo chí về việc đấu giá biển số xe đẹp, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổtrợ tư pháp cho biết, vấn đề đấu giá biển số xe đẹp được đặt ra từ năm 2010 -2011. Từ thời điểm đó đến nay vẫn có2 luồng ý kiến khác nhau: Biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của Nhà nước? Đó là vướng mắc lớn nhất.
Theo bà Mai, Luật Giao thông đường bộ cấm mua bán biển số của các phương tiện cơ giới. Do đo, việc dự kiến đưa biển số xe đẹp ra đấu giá đến nay vẫn không thực hiện được. Cũng theo bà Mai, biển số xe đẹp không chỉ là tài sản đơn thuần mà còn là công cụ quản lý Nhà nước. Việc giao quyền sở hữu, sử dụng hoàn toàn cho người dân thì cần tính toán giữa lợi ích đó với lợi ích củaviệc quản lý nhà nước.
Bà Mai cho rằng để tổ chức một cuộc đấu giá có rất nhiều vấn đề liên quan đến chi phí đấu giá; việc bán toàn bộ biển số xe hay chỉ biển số xe đẹp… Do đó, cần phải tính toán kỹlợi ích giữa việc đấu giá và chi phí bỏ ra.
Về Luật Đấu giá tài sản, bà Mai cho biết chỉ quy định thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Tài sản đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.
“Như vậy, luật này chỉ quy định các bước đấu giá, còn những tài sản nào được đấu giá lại thuộc về các luật khác”, bà Mai nói.
Bên cạnh đó, theo bà Mai, Luật Đấu giá tài sản đã có quy định mở theo hướng các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Hơn nữa, tất cả tài sản bán đấu giá ở Việt Nam hay thế giới đều biến động, tới đây có thể mở rộng sang cả quyền khai thác cảng biển, sân bay…
“Bộ Công an cũng đang chủ trì, cùng với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét xây dựng cơ chế đấu giá biển số xe báo cáo Thủ tướng. Sau này, Bộ Công an hay Chính phủ có quy định biển số xe được bán đấu giá thì sẽ tiến hành theo trình tự thủ tục của Luật Đấu giá tài sản mà không ảnh hưởng gì”, bà Mai nhấn mạnh.
Nhiều nước đã làm từ lâu!
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, luật sưKiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM lại cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Biển số xe là tấm biển làm bằng làm bằng kim loại, có dạng hình chữ nhật hoặc hơi vuông, trên đó có in ấn chữ và số theo quy định và gắn vào xe cơ giới nên thực chất biển số xe chính là vật và hoàn toàn có thể được coi là tài sản theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng, biển số xe chỉ do cơ quan công an cấp và mỗi biển số xe gắn liền với một chiếc xe cụ thể nên từ trước đến nay không thể giao dịch, mua bán riêng biển số xe nên càng không thể bán đấu giá. Thực tế mua bán xe (nếu đã có biển số) đã bao gồm việc chuyển nhượng biển số xe, tuy nhiên từ trước đến nay cũng hiếm khi bên bán định giá biển số xe vào giá bán.
“Cái khó hiện nay trong việc bán biển số xe, theo tôi không phải vì không thể coi biển số xe là tài sản, mà là vì chưa có khung pháp lý cụ thể đối với việc bán đấu giá biển số xe”, ông Vũ nói.
Ông Vũ bày tỏ, theo Luật Đấu giá tài sản 2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 tới đây thì tài sản đấu giá được liệt kê tại Điều 4 Luật này, nhưng để xác định biển số xe là loại tài sản cụ thể nào trong số các tài sản đấu giá được liệt kêcũng không hề dễ dàng. Vàphương án khả dĩ nhất để có thể đấu giá biển số xe đẹp là nên có khung pháp lý riêng, trên cơsở phù hợp với luật Đấu giá tài sản.
Cùng quan điểm, nói với báo điện tử Một Thế Giới, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết hoàn toàn ủng hộ việc đấu giá biển số xe và điều này thế giới đã làm từ mấy chục năm nay. Tuy nhiên, khi áp dụng phải có văn bản pháp luật cụ thể.
Ông Liên cho biết, biển số xe hiện nay do từng tỉnh quản lý nên tỉnh cần tổ chức đấu thầu chứ không phải đấu thầu cả nước. Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương cần phối hợp với sở giao thông địa phương, thống kê biển số xe là bao nhiêu, loại nào.
“Công tác đấu thầu cần công khai, minh bạch trên mạng, thành lập một hội đồng giám sát để tránh lợi ích nhóm. Có như vậy mới xây dựng được một quy chế đấu giá minh bạch. Nếu cứ để một cơ quan làm việc này sẽ dễ dẫn đến lợi ích nhóm, trục lợi”, ông Liên nói.
Theo vị này, biển số đẹp hay xấu là sở thích của người dân và các doanh nghiệp. Do đó, nếu muốn có biển số đẹp thì bỏ thêm tiền đấu giá để thỏa mãn sở thích của mình. Việc này góp phần điều tiết lợi ích giữa người giàu và người nghèo.
“Trung Quốc, Thái Lan họ làm từ rất lâu. Và không chỉ đấu giá biển số đẹp, nhiều nước còn đấu giá cả biển số xe nội thành”, ông Liên cho hay.
Trí Lâm