Trẻ sinh non có thêm cơ hội sống sót trong tử cung nhân tạo

Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:21, 26/04/2017

Những con cừu sinh non ở giai đoạn tương đương với trẻ sinh non ở tuần 23 đã tiếp tục phát triển và sống tốt trong tử cung nhân tạo. Kết quả thử nghiệm của các nhà khoa học Mỹ cho thấy những đứa trẻ sinh non mong manh đã có thêm cơ hội sống sót.

Những con cừu sinh non ở giai đoạn tương đương với trẻ sinh non ở tuần 23 được tiếp tục giữ sống và để phát triển bình thường trong thiết bị tử cung nhân tạo. Trong 4 tuần lễ, những con cừu "trôi" trong môi trường chất lỏng tương tự như nước ối trong tử cung. Các bác sĩ nói rằng cách tiếp cận tiên phong này có thể cải thiện triệt để tình trạng của trẻ sinh quá non tháng, khi chúng không thể tự hít thở, tự hấp thu chất dinh dưỡng, hoặc chống lại bệnh nhiễm trùng mà không cần sự giúp đỡ của y học.

Theo ông Alan Flake, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thai nhi Bệnh viện Nhi Philadelphia (CHOP) và tác giả chính của công trình nghiên cứu, tử cung nhân tạo đóng vai trò cầu nối cực kỳ cần thiết giữa tử cung của người mẹ và thế giới bên ngoài đối với những đứa trẻ sinh ra ở tuần tuổi từ 23 đến 28 của thai kỳ.

Ông nói: "Nếu chúng ta có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng và hoàn thiện của các cơ quan thêm được vài tuần lễ, chúng tôi có thể cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe cho những đứa trẻ sinh non tháng".

Trong thời gian qua, giới hạn về khả năng sống sót của trẻ sinh non là khoảng 23 tuần lễ, nhưng phần lớn những trẻ này phải chịu những vấn đề về sức khoẻ nghiêm trọng và mạn tính do sự ra đời quá sớm của chúng.

Các bác sĩ điều trị cho trẻ sinh non ở tuần thứ 23 - vừa vượt qua điểm giữa của thai kỳ bình thường - luôn phải tiên lượng mọi hệ lụy để làm sao duy trì sự sống cho trẻ sơ sinh, đồng thời phải giảm thiểu các tác hại do can thiệp và phẫu thuật xâm lấn.

Những trẻ sinh non thường nặng chưa đến 450g, mí mắt dính vào nhau, và da quá mỏng đến mức nhìn thấy rõ các mạch máu. Do phổi của chúng chưa hoàn thiện, nên chỉ là vài túi khí với những thành dày, thay vì hàng triệu các phế nang nhỏ, trong đó oxy được hấp thu dễ dàng bởi máu. Nếu lượng oxy giảm, tổn thương tim và não xảy ra. Thế nhưng oxy được hấp thu dễ quá cũng rất nguy hiểm vì phổi chưa hoàn thiện chưa thể tự bảo vệ chống lại những tác hại của oxy, có thể gây độc cho mô. Quá nhiều oxy có thể dẫn đến sự phát triển bất thường của các mạch máu trong mắt, có thể khiến bé mù.

Emily Partridge, bác sĩ nhi ở CHOP và là đồng tác giả công trình, cho biết: "Chỉ cần nhìn chúng là thấy rõ rằng lý ra chúng chưa nên rời khỏi tử cung người mẹ, chúng vẫn chưa sẵn sàng."

Trong công trình nghiên cứu được in trên tạp chí Nature Communications, 6 con cừu non được đặt trong tử cung nhân tạo ngay sau khi sinh mổ lấy thai ở giai đoạn tương đương 23 tuần thai người. Trong vòng vài phút sau sinh, con cừu được đưa vào tử cung nhân tạo, gắn với một thiết bị trao đổi khí bằng dây rốn của chúng, cho phép bổ sung lượng oxy trong máu và các chất dinh dưỡng được truyền vào.

Bào thai cừu 107 ngày (trái) - tương đương với thai nhi ở tuần 23 - và phát triển thành cừu non sau 4 tuần lễ - ẢNH: NATURE COMMUNICATIONS

Trong tử cung nhân tạo, những con cừu được đắm mình trong chất dịch màng ối thay thế có chứa chất dinh dưỡng và các chất hóa học được thiết kế để kích thích sự phát triển. Trong khi trôi nổi bên trong tử cung nhân tạo, những con cừu phát triển bình thường, biến đổi từ bào thai hồng thành cừu sơ sinh có lông trắng sau 4 tuần lễ.

Nhóm nghiên cứu đang làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và dự kiến trẻ sinh non sẽ bắt đầu được nuôi dưỡng trong thiết bị tử cung nhân tạo khoảng 3 năm sau lần thử nghiệm lâm sàng đầu tiên.

HOÀNG ANH

Tố Loan