Bộ GD-ĐT khẳng định không hề ra văn bản yêu cầu trường ĐH Hoa Sen báo cáo vụ 'Giáo sư mặc quần đùi giảng dạy'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:37, 27/04/2017
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên vào chiều 26.4, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GD-ĐT hoàn toàn không yêu cầu bằng văn bản đối với sự việc giáo sư mặc quần đùi giảng dạy tại trường ĐH Hoa Sen vừa qua.
"Khi nghe thông tin từ các báo chí, một số nhà báo đã gọi điện hỏi tôi và tôi có gọi lại cho trường để xác minh sự việc đó như thế nào. Từ đó đối chiếu với quy định của Bộ GD-ĐT về công tác giảng dạy cũng như đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh giảng viên... Nếu sự việc có vi phạm sẽ tìm cách xử lý, nhưng không vi phạm vào quy định nào của Bộ GD-ĐT thì thôi. Tôi chỉ hỏi thông tin cụ thể để nhà trường báo cáo lại chứ không hề có chỉ đạo ra văn bản nào đó liên quan tới nội dung này để gửi nhà trường. Có thể cách nói của tôi đã gây hiểu nhầm cho một số nhà báo và họ lại khẳng định đó là mệnh lệnh hành chính chứ không phải là một cách chia sẻ thông thường giữa cơ quan quản lý và nhà trường, cấp quản lý muốn tìm hiểu cụ thể để xử lý theo phân cấp nếu vi phạm chứ không phải là ra văn bản cụ thể xử lý nên đưa tin còn thiếu chính xác." - ông Minh khẳng định.
GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi trong giờ học về sáng tạo
Trước đó, vụ việc GS Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM mặc quần đùi giảng dạy nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Thông tin nhanh chóng gây ra luồng ý kiến trái chiều, có người đồng tình cho rằng đây là ví dụ hay về sự sáng tạo, người khác lại cho rằng cách ăn mặc này không phù hợp môi trường giáo dục.
Lý giải về việc mặc quần đùi, GS Trương Nguyện Thành cho rằng hình ảnh ông mặc áo may ô, quần đùi là minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo diễn ra trong ngày 23 và 24.4. Ông nói muốn phát triển tư duy sáng tạo cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình. Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, những gì chúng ta cho là được và không được… mới có khả năng sáng tạo. Nếu không, chúng ta sẽ luẩn quẩn trong những điều hiện có và không thể đột phá được.
Cũng theo GS Thành, nền giáo dục của chúng ta mấy chục năm nay, phương pháp giảng dạy vẫn một chiều, thầy nói trò phải nghe, khó chấp nhận cách tư duy khác, quan điểm khác. "Cái lối 'đồng phục' đã tồn tại rất lâu trong nhà trường chúng ta, từ quần áo, cặp sách, giày dép, nhãn vở… đến cả khuôn mẫu một bài văn, phải đầy đủ mở bài, thân bài và kết luận, bất chấp câu từ sáo rỗng, vô nghĩa. Học trò không dám suy nghĩ khác, không dám phản bác một luận điểm, không dám trình bày chính kiến là một nỗi lo. Đáng lo hơn nó trở thành sự rập khuôn trong tư duy và cách nhìn nhận vấn đề".
Ngay sau đó, hàng loạt các báo đã gọi điện lên Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) để hỏi về vụ việc trên.
Dạ Thảo