Tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm có giải quyết được bài toán năng suất lao động?

Sự kiện - Ngày đăng : 12:44, 03/05/2017

Đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Hiện nay, Bộ luật Lao động quy định thời gian làm việc bình thường của người lao động là 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Bên cạnh đó, số giờ làm thêm của người lao động không quá 4 giờ/ngày, 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm. Chỉ những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, số giờ làm thêm mới được 300 giờ/năm. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thì các doanh nghiệp cho rằng điều này không còn phù hợp.

Với quy định này, hiện có nhiều doanh nghiệp đề nghị cần tăng thời gian làm thêm tối đa. Hàng năm, các hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất tăng thời gianlàm thêm tối đa của người lao động lên 500 giờ/năm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

Các doanh nghiệp cho rằng trên thực tế, so với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng,Thái Lan: 36 giờ/tuần,Malaysia: 104 giờ/tháng,Lào: 45 giờ/tháng,Campuchia và Philippines: không khống chế...

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng) vì việc quy định làm thêm giờ theo tháng sẽ cứng nhắc, không linh hoạt, chưa phù hợp với thực tế chu kỳ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, phụ thuộc vào mùa vụ kinh doanh như: gia công hàng hóa xuất khẩu, chế biến thủy hải sản xuất khẩu).

Tại dự thảo đưa ra lấy ý kiến đóng góp lần này, cơ quan soạn thảo cho rằng đề xuất nâng số giờ làm thêm lên 400 giờ là hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực;đồng thời bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm theo ngày.

Tuy nhiên, ở một cách nhìn nhận khác, giới chuyên gia lao động lại cho rằng việc tăng giờ làm thêm không phải là giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất, bởithời gian làm việc dài trong một tuần với hơn 48 giờ/tuần thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, thậm chí làm tăng tỷ lệ tử vong, cũng như làm gia tăng sự nhầm lẫn khi làm việc hay tai nạn lao động.

Tăng năng suất lao động không phải bằng cách kéo dài thời gian làm việc mà phải thông qua việc cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và đưa thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng việc tăng giờ làm thêm dù dựa trên thực tế cung cầu thì vẫn phải xem xét tới nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Theo ông Quảng, giờ làm thêm tối đa của Việt Nam hiện nay chưa cao nhưng số giờ làm chính của Việt Nam lại khá cao, 8 tiếng mỗi ngày, 48 tiếng mỗi tuần. Tổng thời gian làm việc chính thức một năm là hơn 2.400 giờ. Tăng tối đa giờ làm thêm thì tổng số giờ làm việc và làm thêm quá cao, trên 2.600 - 2.700 giờ mỗi năm.

Trong khi đó, người lao động Hàn Quốc được làm thêm 624 giờ/năm, nhưng tổng thời gianlàm chính thức và làm thêm tối đa khoảng 2.446 giờ mỗi năm. Doanh nghiệp Indonesia được phép huy động người lao động làm thêm 728 giờ mỗi năm nhưng chỉ làm việc chính thức 40 giờ mỗi tuần.

"Trong bối cảnh hiện nay, việc làm thêm giờ là một nhu cầu thực tế cần chấp nhận, song phải đúng nghĩa là giải quyết công việc đột xuất, đơn hàng dồi dào của doanh nghiệp chứ không phải làm thêm tràn lan như hiện nay", ông Quảng cho hay.

Trước đó, tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lấy ý kiến đóng góplần thứ nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất 2 phương án, bao gồm:

Phương án 1: Tăng số giờ làm thêm bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong 1 năm.

Phương án 2: Tăng số giờ làm thêm bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.

Tuyết Nhung

tuyetnhung