10 phút ‘báo động đỏ’, bệnh nhân nhồi máu cơ tim thoát khỏi nguy kịch
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:00, 04/05/2017
Bệnh nhân trên là ông L.V.D. (53 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn,TP.HCM) hành nghề chạy xe ôm tại địa phương.
Trưa 2.5.2017, ông D. đang chạy xe ôm thì bất ngờ bị đau thắt ngực, khó thở dữ dội và được mọi người đưa vào Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Tại đây, ông D. được các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành trước, có biến chứng rung thất, khả năng dẫn đến ngưng tim và tử vong rất cao. Các bác sĩ xử lý cấp cứu, sốc điện để bình ổn nhịp tim bệnh nhân.
Trước tình trạng nguy kịch trên, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn đã khởi động quy trình báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM). Tại đây, các bác sĩ của 2 bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhân D. đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để can thiệp mạch vành cấp cứu.
Chiều 3.5, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho hay bằng phương pháp nong và đặt stent động mạch vành, ê kíp phẫu thuật của bệnh viện đã cứu bệnh nhân D. thoát khỏi nguy kịch.
“Vớihệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA), các bác sĩ đã tiến hành chụp, nong và đặt stent động mạch vành bên trái. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được cấp cứuvà can thiệp động mạch vành thành công, tận dụng được thời gian vàng trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp. Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và hồi phục tốt, có thể xuất viện chỉ trong 1 đến 2 ngày tới”, TS.BS Nguyễn Văn Châu – Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho hay.
Theo BSChâu, tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, thời gian sống chỉ tính bằng phút, nếu chậm thêm mỗi phút thì khả năng cứu sống bệnh nhân giảm dần.
Chính vì vậy, ngay sau khi bác sĩ 2 bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, thông tin bệnh nhân này đã được báo về bệnh viện qua điện thoạiđể các khoa, phòng có liên quan chuẩn bị công tác tiếp nhận và điều trị ngay khi bệnh nhân nhập viện. Do đó chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút sau khi chuyển đến, bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp mạch máu để xử lý tình trạng bệnh.
Ông Châu cho rằng đó là nhờ quy trình báo động đỏ liên viện được phối hợp chặt chẽ giữa 2 bệnh viện. Đây là điều rất quan trọng, vì không những cứu sống được người bệnh mà còn giúp họ hồi phục khỏe mạnh, có thể lao động trở lại bình thường. Nếu chậm trễ, người bệnh có thể bị ảnh hưởng nặng nề từ biến chứng do cơn nhồi máu cơ tim cấp, hoặc thậm chí có thể tử vong.
Hồ Quang