Không có tàu Mỹ nào tuần tra Biển Đông từ khi Trump nhậm chức

Chuyển động - Ngày đăng : 06:18, 04/05/2017

Đó là ghi nhận của cây bút Helene Cooper trên tờ New York Times ngày 2.5. Dù mạnh miệng lúc tranh cử rằng chính sách bảo vệ vùng biển quốc tế ở Biển Đông thời Obama rất yếu, nhưng từ khi nhận nhiệm sở, tổng thống Mỹ Donald Trump không có động thái nào để cải thiện tình hình.

Sáu tuần trước, khi Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ yêu cầu các quan chức cấp cao của chính quyền Trump cấp phép cho tàu chiến Mỹ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough – một bãi đá ngầm đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc (Trung Quốc chiếm bãi cạn này từ năm 2012), nhưng đến nay, Washington vẫn chưa chuẩn thuận.

Hải quân Mỹ nghĩ rằng đề nghị trên sẽ sớm được thông qua. Suốt chiến dịch tranh cử tổng thống dài hơi của mình hồi năm ngoái, Trump lên án chính quyền Obama quá yếu ớt trong việc bảo vệ vùng biển quốc tế trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng quân đội và bồi lấp các đảo, xây các đường băng và trang bị thiết bị trên các bãi đá ngầm họ chiếm giữ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh trong suốt phiên điều trần trước quốc hội hồi tháng 1, kêu gọi chính quyền Mỹ nên ngăn Trung Quốc được tiếp cận các đảo nhân tạo nước này xây trái phép trên Biển Đông.

Các chuyên gia nghiên cứu quốc tế khi đó nhận định chính quyền Trump đang trở lại chính sách tăng cường tuần tra hải quân trước đó quanh vùng biển Trung Quốc tự phong chủ quyền trên Biển Đông. Một chính sách từ thời Obanma. Tuy nhiên mọi thứ lại đang diễn ra theo chiều ngược lại.

Đề xuất được tuần tra của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, và 2 đề xuất khác của Hải quân Mỹ vào tháng 2 đã bị gác lại bởi các quan chức Bộ quốc phòng, thậm chí trước khi nó xuất hiện trên bàn làm việc của tổng thống Trump. Hơn 100 ngày từ khi Trump nhậm chức, chưa có một chuyến tàu tuần tra nào của Hải quân Mỹ được tiến hành tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp trên Biển Đông.

Quyết định không thách thức chủ quyền tự phong của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy ý định của chính quyền Trump muốn Bắc Kinh giúp đỡ trong việc giải quyết gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thái độ của Trump hiện nay vẫn chưa rõ ràng, thậm chí sau khi 3 đề nghị tuần tra Biển Đông của Hải quân Mỹ bị Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, tướng Joseph F. Dunford - Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Mỹ gạt qua một bên. Các quan chức Quốc phòng Mỹ nói rằng Nhà Trắng không liên quan đến những quyết định này.

New York Times dẫn lời Robert Daly – Giám đốc viện Nghiên cứu Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại trung tâm Wilson bày tỏ thấy vọng về tiến triển của những cuộc tuần tra trên Biển Đông nhằm bảo vệ tự do hàng hải. “Tất cả ngôn ngữ trước đó, sự kết hợp giữa thực tế rằng chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa được thiết lập trên việc chỉ trích chính quyền Obama đã không tiến hành đủ các cuộc tuần tra trên Biển Đông làm xảy ra đồn đoán chính quyền Trump phải tiến hành hoạt động này từ sớm. Và điều đó nay đã không xảy ra”.

Cuộc khủng hoảng bùng lên ở Triều Tiên đã sớm thay đổi những giả định trước đó của chính quyền Trump nhằm đối phó với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump xem Trung Quốc là bên thao túng tiền tệ và thương mại. Nhưng tình hình Triều Tiên trong 3 tháng qua với việc Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa, manh nha thử hạt nhân từ khi Trump nhậm chức khiến Trump phải tạo ra một “bầu không khí hòa thuận” với Trung Quốc để nhờ Bắc Kinh giúp đỡ kiềm chế Bình Nhưỡng.

Daly nhận định: “Với mỗi quả tên lửa Triều Tiên phóng lên, Trump gia tăng thêm sự thân thiện với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuần trước, khi Triều Tiên phóng tên lửa, viết trên Twitter, Trump nhấn mạnh Triều Tiên phóng tên lửa là hành động không tôn trọng đồng minh Trung Quốc của mình.

Lúc vận động tranh cử, Trump từng nhấn mạnh hoạt động chiếm giữ, bồi lấp, xây các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc là “không tôn trọng tổng thống của chúng tôi (khi đó là Obama) và không tôn trọng đất nước của chúng tôi”.

Cộng đồng quốc tế đang dõi theo lời nói và việc làm của Trump. Tuy nhiên những gì đang diễn ra cho thấy giữa nói và làm là một khoảng cách khá xa.

Anh Duy (báo CA TP.HCM)

1