Sau hàng loạt cuộc ‘giải cứu’, giá heo hơi có dấu hiệu tăng trở lại

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 05/05/2017

Sau hàng loạt các chương trình chung tay “giải cứu” heo của nhiều địa phương và doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi; giá heo hơi xuất chuồng đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Heo hơi có dấu hiệu tăng giá

Ngày 4.5, giá heo hơi tại các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đang có dấu hiệu tăng giá trở lại. Hiện tại, heo hơi tại các trang trại đang nhích nhẹ lên mức trên 30.000 đồng/kg.

Heo được chăn nuôi tại các trang trại VietGap, đủ điều kiện về vệ sinh antoàn thực phẩm, phòng chống dịch... có giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, tùy trọng lượng, loại giống.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khi hiệp hội này phối hợp với các đơn vị thu mua heo hơi với giá cao hơn thị trường 20-25%, chỉ mấy ngày sau thương lái đã tăng giá thu mua heo tại các trang trại.

Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức chiến dịch thu mua heo hơi tại trang trại với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thương lái đang thu mua khoảng 7.000 đồng/kg. Đến ngày 3.5, đơn vị này tiếp tục nâng giá thu mua heo hơi cho bà con nông dân lên mức 31.500 đồng/kg, cao hơn 1.500 đồng/kg so với 3 ngày trước đó và tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với trước thời điểm “giải cứu”.

Đặc biệt, với mức giá thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ tại các chợ và siêu thị, lượngthịt heo mà hiệp hội này bán ra đã ngày càng tăng mạnh. Mỗi ngày, ước tính các quầy bình ổn thịt heo của hiệp hội tiêu thụ được khoảng 160 con. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết sẽ tiếp tục mở thêm 10 điểm bán thịt heo bình ổn giá trong thời gian tới.

Một nguyên nhân nữa khiến giá heo hơi tăng trở lại là do nhiều đơn vị sản xuất trong thời gian gần đây đã tạm ngưng nhập khẩu thịt heo dành cho phục vụ chế biến thực phẩm. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp còn triển khai chương trình khuyến mãi để hỗ trợ tiêu thụ heo nội địa.

Đơn cử, đại diện Công ty Vissan cho biết đã tạm ngưng nhập khẩu thịt heo phục vụ chế biến thực phẩm để hỗ trợ tiêu thụ heo tại tỉnh Long An.Lượng heo giết mổ thêm sẽ được Vissan dự trữ để chế biến.Doanh nghiệp này cũng sẽ ưu tiên thu mua heo với giá cao hơn thương lái và ưu tiên mua heo VietGap có truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, mỗi ngàycông ty này có thể tăng cường giết mổ khoảng 1.800 con.

Bên cạnh Vissan, một số công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM cũng đang ưu tiên mua heo trong nước với giá cao hơn thương lái để giúp hỗ trợ người chăn nuôi trong nước.

Hành trình heo “vỡ trận” do thương lái Trung Quốc

Vào cuối năm 2015, thương lái Trung Quốc đã tích cực thu mua heo siêu trọng khiến giá heo hơi tăng nóng gần 70.000 đồng/kg. Nhiều nông dân đã phấn khởi và mở rộng chuồng trại. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, giá heo hơi “đột ngột” xuống còn 48.000 đồng/kg, sau đó tăng nhẹ lên 50.000 – 52.000 đồng/kg trong nửa đầu năm 2016.

Đến tháng 5.2016, thương lái Trung Quốc ngưng mua heo mỡ siêu trọng nên heo bắt đầu ùn tại cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái. Lúc này, giá heo hơi vẫn ở mức ổn định 50.000 đồng/kg. Thế nhưng, đàn heo đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 28,3 triệu con.

Cuối năm 2016, do lượng heo xuất sang Trung Quốc giảm mạnh khiến thương lái trong nước ép giá. Thời điểm này, giá heo tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long…tụt thê thảm xuống 37.000 đồng/kg.

Đỉnh điểm là tháng 4.2017, nhiều thương lái tiếp tục ép giá khiến heo hơi chỉ còn 23.000 – 25.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giá heo hơi xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục và thấp nhất trên thế giới.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn), ước tính nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa năm2017khoảng3,5 triệu tấnthịt heo hơi. So với nguồn cung hiện tại, Việt Nam đang thừa khoảng200.000 tấnthịt heo.

Giá heo giảm sâu khiến hầu hết các hộ chăn nuôi khốn khổ. Tại Đồng Nai, do giá heo xuống mức thấp kỷ lục kéo dài hơn nửa năm nhưng giá nguyên liệu đầu vào như cám, thức ăn tổng hợp, thuốc thú y… đều tăng nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải bán đất, bán trại heo vì đổ nợ. Chưa kể, nhiều hộ dân do không còn khả năng trả nợ ngân hàng và các đại lý thức ăn chăn nuôi nên đãbị xiết đất, xiết heo để trừ nợ.

Trước thực trạng này, ngày 12.4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng công văn đề nghị một số biện pháp để giải cứu đàn heo. Ngành nông nghiệp đã đề nghị Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý và công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...

Ngày 24.4, Bộ Nông nghiệp tiếp tục họp khẩn với một số doanh nghiệp để bàn giải pháp cứu nguy cho đàn heo. Sau đó, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã tăng cường thu mua để “giải cứu” heo.

Phan Diệu

Phan Diệu