Bất cập bán đấu giá thuốc lá nhập lậu để tiêu thụ trong nước
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:20, 05/05/2017
Cụ thể, vào ngày 18.4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3825/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Theo đó, đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, thời hạn thí điểm là 1 năm, sau đó sẽ đánh giá từng năm để gia hạn việc thí điểm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước cho rằng việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là chưa phù hợp với quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Theo đó, ngày 4.5, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khẩn về vấn đề đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.
Dẫn chứng cụ thể, các doanh nghiệp cho biết hầu hết các chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam (chủ yếu là thuốc lá Jet và Hero, hiện chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) đều không đáp ứng, tuân thủ đầy đủ quy định.
Các sản phẩm này còn không phù hợp với quy chuẩn. Cụ thể, quy chuẩn chỉ cho phép hàm lượng tối đa Tar trong khói 1 điếu thuốc lá là 16,0 mg và hàm lượng tối đa Nicotin trong khói 1 điếu thuốc lá là 1,4 mg. Tuy nhiên hàm lượng này đối với thuốc lá Jet và Hero (là hai loại thuốc lá chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) lên tới Tar: 19,6 mg/điếu (vượt ngưỡng 12,2%); Nicotine: 2,09 mg/điếu (vượt ngưỡng 49,2%) đối với thuốc lá Jet và Tar: 18,9% mg/điếu (vượt ngưỡng 11,8%); Nicotine: 2,04 mg/điếu (vượt ngưỡng 49,2%) đối với thuốc lá Hero.
Ngoài ra, số tiền thất thu ngân sách mỗi năm gần đây từ thuốc lá nhập lậu rơi vào khoảng 10.000 tỉ đồng, con số này sẽ gia tăng nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất, do thuốc lá lậu bị tịch thu không đóng bất kỳ một khoản thuế nào nhưng vẫn được tiêu thụ chỉ thông qua bán đấu giá.
Hơn nữa, xét về mặt pháp lý tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là không phù hợp với quy định của Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá.
Theo số liệu thống kê, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong 3 năm: 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 20,1 tỉ điếu, 21,3 tỉ điếu và 19,8 tỉ điếu (tương đương với khoảng 1.055 triệu bao, 1.065 triệu bao và 990 triệu bao), chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.
Trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, đã bắt giữ được 15.064 vụ, tịch thu 10.754.247 bao, tiêu hủy 10.147.156 bao. Lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong năm 2015 ước tính chỉ vào khoảng 14 tỉ điếu (tương đương khoảng 700 triệu bao).
Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu trong năm 2015 đã khiến lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014, giúp tăng nộp ngân sách nhà nước lênhơn 1.000 tỉ đồng (tăng 6,2%).
Tuyết Nhung