Phát hiện hàng loạt sai phạm tại BV Ung Bướu TP.HCM
Sự kiện - Ngày đăng : 15:14, 07/05/2017
Nhiều sai phạm
Dù biết mua sắm trực tiếp không được chỉ định thầu nhưng khi được Lãnh sự quán Úc tài trợ 858.325.000 đồng để mua dụng cụ cố định vị trí bệnh nhân dùng trong xạ trị, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã nhanh chóng chọn Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Gia Việt và Công ty TNHH Thương mại đầu tư Vĩnh Khang cung cấp thiết bị vật tư y tế trên thông qua hình thức chỉ định thầu.
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Gia Việt có được hợp đồng trị giá 313.015.000 đồng; còn Công ty TNHH Thương mại đầu tư Vĩnh Khang có trị giá hợp đồng là 545.310.000 đồng.
Điều đáng nói hơn,mặc dù đến ngày 21.4.2015 UNBD TP.HCM mới có Quyết định số 1867/QĐ-UBND phê duyệt tiếp nhậnkhoản viện trợ phi dự án do Tổng lãnh sự quán Úc tài trợđể trang bị các dụng cụ cố định trong xạ trị tại Bệnh viện Ung Bướu, trước đó, ngày 2.4.2015 bệnh viện này đã ký hợp đồng muasắm số 06-15/GV-BVUB với Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Gia Việtvới trị giá hợp đồng là 313.015.000 đồng.
Việc Bệnh viện Ung Bướu “cầm đèn chạy trước ô tô” và chỉ định thầu cho Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Gia Việt không những trái với quy định mà còn đặt ra nhiều dấu hỏi nghi ngờ về mối “làm ăn” giữa bệnh viện và đơn vị này.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Ung Bướu còn không kê khai và thực hiện xác nhận với các cơ quan tài chính đối với các khoản viện trợ theo quy định. Trong đó có khoản viện trợ hơn 2 tỉđồng trong 2 năm (2014-2015) từ Công ty Zeria Pharmaceutical (Nhật Bản) ủy quyền cho Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học SMART để phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu ngẫu nhiên mù đôi, đối chứng với giả dược của thuốc Z- 100 kết hợp với xạ trị trên bệnh nhân ung thư cổ tử cung tiến xa tại chỗ- thử nghiệm lâm sàng pha III”.
Việc làm này theo Sở Y tế TP.HCM là trái với Quyết định số 1190/ QĐ –SYT ngày 25.10.2012 quy định về trách nhiệm quản lý tài chính của chủ khoản viện trợ.
“Trong quyết định này có nêu rõ, phải kê khai và thực hiện xác nhận của cơ quan tài chính tại tờ khai xác nhận viện trợ theo hướng dẫn tại Thông tư 225/2010/TT-BTC ngày 3.10.2010 quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước”, một đại diện của Sở Y tế TP cho biết.
Lãng phí hàng trămtriệu đồng thuốc viện trợ
Không dừng lại ở đó, Bệnh viện Ung Bướu còn để phí phạmgần 300 triệu đồng thuốc viện trợkhi phải tiêu hủy gần 300 viên thuốc Nexavar (thuốc dùng cho bệnh nhân mắc bệnh biểu mô gan, biểu mô thận) vào cuối năm 2016 vừa qua do hết hạn sử dụng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, ngày 19.1.2012, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 388/ QĐ-UBND phê duyệt tiếp nhận khoảnviện trợ phi dự án do Công ty Bayer (South East Asia) tài trợ thuốc Nexavar 200mg. Theo đó, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM nhận được 200 hộp (60 viên/ hộp). Đối tượng sử dụng thuốc Nexavar 200mg là những bệnh nhân nghèo mắc bệnh biểu mô gan, biểu mô thận, bệnh nhân được hưởng 50% viện trợ và trả 50%.
Trong 200 hộp thuốc Nexavar 200mg, Bệnh viện Ung Bướu đã chia ra nhập làm 2 đợt. Trong đó đợt 1 từ ngày 22.10.2012 đến 4.10.2013, bệnh viện này nhập 91 hộp Nexavar 200mg với số tiền tương đương 5.861.667.630 đồng và nhập đợt 2 từ ngày 25.11.2013 đến 11.11.2014 là 109 hộp Nexavar 200mg tương đương số tiền là 7.021.118.370 đồng.
Đến ngày 1.7.2015, Bệnh viện Ung Bướu có Công văn số 1420A/BVUB về việc thuốc Nexavar 200mg viện trợ gửi đếnCông ty Bayer (South East Asia) với nội dung: “Số lượng thuốc Nexavar 200mg tồn 439 viên, hạn dùng là 7.9.2015 cần được giải quyết và hướng xử lý sớm trước khi thuốc hết hạn”, nhưng đến thời điểm hết hạn sử dụng vẫn còn tới 267 viên Nexavar 200mg, tương đương với số tiền 286.641.855 đồng.
Do đó ngày 7.11.2016, Bệnh viện Ung Bướu đã phối hợp với công ty môi trường đô thị tiêu hủy 267 viên Nexavar 200mg trên.
Thanh tra TP cho rằng Bệnh viện Ung Bướu đã nhập kho thuốc Nexavar 200mg trong tháng 11.2013 và đã sử dụng từ tháng 4.2014 nên việc lập biên bản kiểm kê hàng – tiền viện trợ thuốc Nexavar 200mg với số lượng 109 hộp vào ngày 29.12.2014 là không đúng với lượng thuốc thực tế còn tồn trong kho, và không đúng thời điểm thuốc nhập kho bệnh viện. Ngoài ra, Bệnh viện Ung Bướu đã không tích cực trong việc tìm hướng xử lý thuốc Nexavar 200mg để dẫn đến 267 viên hết hạn phải tiêu hủy.
Chiều 6.5, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS.BS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết sở dĩ bệnh viện không tiêu thụ hết số lượng thuốc Nexavar 200mg đã nhập là do bảo hiểm y tế thay đổi theo hướng giảm chi trả khiến nhiều bệnh nhân không có điều kiệm tiếp cận với loại thuốc này.
“Đây là một loại thuốc rất đắt tiền, được sử dụng trong điều trị bệnh biểu mô gan, biểu mô thận. Tất nhiên trước khi đăng ký số lượng thuốc Nexavar 200mg chúng tôi tính toán rất kỹ để đưa ra số thuốc dự trù chính xác nhất. Tuy nhiên ở thời điểm đó, thuốc Nexavar 200mg được bảo hiểm y tế chi trả 80% nhưng đến năm 2015 giảm xuống còn 50% dẫn đến nhiều bệnh nhân không có điều kiện tiếp cận với loại thuốc này”, ông Dũng giải thích và cho biết, thuốc Nexavar 200mg nói là viện trợ nhưng người bệnh phải bỏ tiền mua, mua 1 viên mới được tặng 1 viên, chứ không có chuyện không mua vẫn được cấp thuốc này.
Ông Dũng cho biết ngay khi thuốc Nexavar 200mg còn khoảng 2 tháng nữa hết hạn sử dụng, bệnh viện đã gửi công văn đến Công ty Bayer (South East Asia) để tìm hướng xử lý giải quyết hết số thuốc trên nhưng công ty này đã không phúc đáp.
“Chúng tôi sẽ tìm hiểu vì sao Công ty Bayer (South East Asia) không trả lời phúc đáp của bệnh viện và có câu trả lời sau. Tuy nhiên tôi thiết nghĩ, thời điểm đó thuốc Nexavar 200mg cũng có mặt ở một số bệnh viện nênkhó để có thể chuyển số thuốc này sang các bệnh viện khác để tận dụng hết nguồn thuốc”, ông Dũng nói.
Hồ Quang