Heo rớt giá thảm hại, thịt gà lại tăng giá mạnh
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:42, 07/05/2017
Cụ thể, giá thu mua gà lông màu tại các tỉnh phía Nam đã tăng khoảng 4.000 – 7.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 4.2017 và tăng khoảng 15.000 – 18.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 3.2017.
Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giá gà hiện đạt 33.000 – 34.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh ĐBSCL, giá gà được bán với giá 34.000 – 35.000 đồng/kg. Đồng thời, giá thu mua gà lông trắng ổn định ở mức giá khá cao là 34.000 – 35.000 đồng/kg tại các tỉnh Đông Nam Bộ và 33.000 – 34.000 đồng/kg tại các tỉnh ĐBSCL.
Giá thu mua gà ta tại Đồng Nai hiện ổn định ở mức 60.000 – 62.000 đồng/kg; Vĩnh Long 75.000 đồng/kg; An Giang 90.000 đồng/kg (bán buôn)…
Nguyên nhân khiến giá gà tăng mạnh là do thời tiết thất thường khiến gà chậm lớn, năng suất không ổn định. Giá gà tăng còn do một số công ty chăn nuôi lớn chuyên cung cấp lượng gà lớn cho thị trường sau thời gian lỗ nặng đã giảm đàn. Ngoài ra, việc tạm ngưng nhập khẩu gà từ Mỹ cũng khiến giá gà trong nước tăng giá.
Trước đó, đầu tháng 3.2017, giá gà công nghiệp lông trắng đã giảm sâu dưới mức giá thành là 17.000 – 19.000 đồng/kg. Giá gà giảm mạnh do người nông dân tăng đàn quá nhanh và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương nên người tiêu dùng e ngại khi dùng sản phẩm gia cầm.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thịt gà sau Tết có giảm so với trước và trong Tết, trong khi lượng cung vẫn nhiều nên mất cân đối cung cầu. Đặc biệt, thông tin thịt gà nhập khẩu chỉ bán dưới 20.000 đồng/kg cũng khiến giá gà trong nước “lao đao”.
Được biết, sản phẩm thịt gà công nghiệp như đùi tỏi gà, đùi gà góc tư, cánh gà, gà Mỹ nguyên con được nhập ồ ạt về Việt Nam với giá siêu rẻ, chỉ từ 10.000-12.000 đồng/kg khiến giá gà công nghiệp lông trắng của Việt Nam giảm mạnh, người chăn nuôithua lỗ hàng tỉ đồng.
Do đó, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt từ bang Wisconsin và Tennessee của Hoa Kỳ kể từ 10.3 với lý do đang có dịch cúm gia cầm độc lực cao H7 và cúm gia cầm độc lực thấp H5N2.
Phan Diệu