Ai 'ăn cắp' bản quyền Champions League của VTVcab?
Thể thao - Ngày đăng : 12:12, 10/05/2017
Cuộc họp báo ngày 9-5, phía VTVcab cho biết do không đảm bảo vấn đề bản quyền xuyên suốt các mùa giải, đến nay một lần nữa VTVcab buộc phải ngừng phát sóng các giải Champions League và Europa League.
Phía VTVcap đã lên tiếng qua thông báo: “Ở Việt Nam, vấn đề vi phạm bản quyền vốn là vấn đề nhức nhối khi sự phát triển của Internet ngày càng mạnh mẽ. Đối với các chương trình bóng đá – môn thể thao vua dành được sự quan tâm yêu mến của hầu hết tất cả mọi người, việc vi phạm còn diễn ra càng nghiêm trọng hơn. VTVCab đã khẳng định nỗ lực bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình bằng mọi cách nhưng tình trạng xâm phạm vẫn diễn ra...”.
Vụ việc lần này rõ ràng nghiêm trọng hơn vụ việc xảy ra cách đây một năm mà phía VTVcab đã đột ngột dừng phát sóng. Nếu tháng 3-2016 VTVcab bị buộc dừng phát sóng đã diễn ra “lặng lẽ” hơn và không “ồn ào”, không “lớn chuyện”, thì sự việc qua buổi họp báo ngày 9-5 cùng thời lượng mà phía VTV dành sóng cho việc “vi phạm bản quyền” lớn hơn và trầm trọng hơn rất nhiều.
Tháng 8-2015 VTVcab đã có buổi họp báo và ban hành thông cáo báo chí là đơn vị duy nhất của Việt Nam sở hữu bản quyền phát sóng các giải bóng đá Champions League và Europa League liên tục trong ba mùa giải 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018.
Theo đó, mỗi mùa giải, VTVcab sẽ nhận tín hiệu phát sóng 73 trận đấu (tương đương 60% tổng số trận). Tuy nhiên ngay mùa 2015-2016, đến ngày 10-3-2016 thì VTVcab bị buộc dừng phát sóng do vi phạm vấn đề bản quyền đã ký kết với nhà cung cấp.
Đến mùa 2016-2017 VTVcab trực tiếp trở lại những giải trên và đến ngày 9-5-2017 tức trước các trận lượt về bán kết Champions League và Europa League thì bị phía nhà cung cấp thông báo dừng cung cấp tín hiệu cũng do vấn đề về vi phạm bản quyền.
Nếu sự vụ cách đây một năm, phía VTVcab đã chủ động thực hiện những kỹ thuật cần thiết để tự bảo vệ mình, như chặn ngay từ trung tâm của VTVcab và khóa mã nhằm tránh tình trạng bị ăn cắp bản quyền nhưng vẫn bị nhiều đơn vị vi phạm để phát trên Internet và trên điện thoại di động thì lần này càng nghiêm trọng và tinh vi hơn.
Phía VTVcab chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng thất vọng vì không chỉ những đơn vị có máy chủ đặt ở nước ngoài mà kể cả những trang mạng chính thống của những tập đoàn lớn tại Việt Nam, của các công ty cung cấp mạng di động cũng ăn cắp tín hiệu phát sóng…”.
Phía VTVcab cũng cho biết không ít lần mời các đơn vị trên đến làm việc trong đó có cả việc thẳng thắn công bố sẽ xử lý đúng pháp luật và các đơn vị trên cũng đã ký cam kết, không vi phạm bản quyền nhưng sự việc vẫn xảy ra kéo dài từ mùa năm ngoái sang đến năm nay.
Được biết vì vấn đề trên, đơn vị sở hữu bản quyền Champions League và Europa League đã yêu cầu phía VTVcab đền bù bằng cách phải trả một khoản tiền lớn gấp nhiều lần khoản tiền mà VTVcab đầu tư ban đầu nên bị buộc phải dừng phát sóng hai giải đấu trên.
Đã hai mùa liên tiếp, đơn vị sở hữu bản quyền Champions League và Europa League đều bị đơn vị cung cấp “làm việc” về vấn đề vi phạm bản quyền và buộc dừng phát sóng cùng với việc ngưng cung cấp tín hiệu.
Đó là thiệt hại rất lớn không chỉ cho đơn vị đầu tư và khai thác là VTVcab mà mất mát lớn hơn là người hâm mộ đã đóng tiền thuê bao những kênh có VTVcab để xem Champions League và Europa League.
Điều này càng cho thấy bất hợp lý liên quan đến việc sở hữu bản quyền ở Việt Nam ngoài việc ký kết hợp đồng hợp pháp còn phải tự bảo vệ bản quyền trong thời đại internet phát triển và các nhà mạng vì lợi nhuận đã khai thác “chùa” bằng việc vi phạm bản quyền mà bất chấp thiệt hại lớn của đơn vị sở hữu.
Từ vô tư khai thác đến xiết chặt bản quyền
+ Những năm 1990 Việt Nam từng ồn ào rất lớn với vụ bản quyền Cúp 3 châu lục. Khi ấy nhà tài trợ đã hợp đồng với đơn vị có bản quyền duy nhất nhưng phút 89 lại gặp “lệ làng” của nhà đài địa phương với lý do “Giải diễn ra tại địa phương nào thì địa phương đó “có quyền” đưa nhà đài mình vào trực tiếp phục vụ khán giả địa phương (!?)”. Vụ ầm ĩ đó từng khiến nhà tài trợ và đơn vị tổ chức tính rút ra vào giờ chót nhưng kẹt nỗi khách mời đã sang đầy đủ và các hợp đồng đã ký kết. Đó cũng là vụ ồn ào mở đầu cho những vấn đề bản quyền ở Việt Nam.
Sau vụ việc trên, vấn đề bản quyền từng được lãnh đạo đội CA TP.HCM đi đầu khi chuyển trận đấu của đội qua sân Đồng Nai đá cúp C1 châu Á và bán bản quyền cho đài Đồng Nai với giá tượng trưng để khẳng định giá trị và sở hữu trong vấn đề bản quyền.
+ Cũng việc khai thác vô tư mà Đông Nam Á khá “loạn” trong việc vi phạm bản quyền, trận chung kết AFF Cup 2016 lượt về giữa Thái Lan và Indonesia trên sân Rajamangala, hàng loạt phóng viên Indonesia trong trận lượt về sử dụng cả camera lẫn máy ảnh ngồi trên khán đài quay phim và chụp ảnh đã bị đơn vị sở hữu bản quyền ra nhắc nhở một lần, sang đến lần thứ hai, họ mời lực lượng làm nhiệm vụ đến “áp giải” những người vi phạm đấy bất kể là các phóng viên mang thẻ phóng viên viết hoặc phóng viên ảnh nhưng tác nghiệp sai vào phòng làm việc và tước thẻ hành nghề.
+ World Cup U-20 tại Hàn Quốc phía ban tổ chức đã hạn chế các phóng viên truyền hình và phóng viên ảnh từ nhiều quốc gia sang để đảm bảo vấn đề bản quyền.
Đấy cũng là lý do nhiều phóng viên ảnh và phóng viên truyền hình của nhiều tờ báo không có bản quyền bị từ chối làm thẻ hành nghề cho đến khi chuyển sang đăng ký phóng viên viết thì thủ tục cấp thẻ hành nghề mới dễ dàng hơn.