Lọc dầu Dung Quất mời 15 quỹ đầu tư mua cổ phần

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:29, 09/05/2017

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã phát hành thư mời mua cổ phần hóa gửi đến 15 Quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đó, dự kiến cuối năm 2017, BSR sẽ chào bán cổ phiếu ra thị trường.Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước đầu tư và sở hữu, có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lọc – hóa dầu trong nước.

Sau gần một thập kỷ đi vào vận hành thương mại, đến nay, BSR đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa. Song, tiến trình cổ phần hóa của nhà máy này lại diễn ra trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp, bản thân doanh thu và lợi nhuận của nhà máy cũng suy giảm.

Cụ thể, năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của BSR đã giảm mạnh so với các năm trước đó. Năm 2015 giảm hơn 25% so với năm 2014, còn hơn 96.000 tỉ đồng; năm 2016 tiếp tục giảm gần 22% còn gần 75.200 tỉ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt 5.007 tỉ đồng, giảm hơn 21% so với thực hiện năm 2015. Đồng thời nộp ngân sách của BSR năm 2016 cũng chỉ còn đạt 12.410 tỉ đồng, giảm tới 42% so với năm trước đó.

Không những vậy, BSR cũng từng có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất tồn kho lớn do không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Được biết, BSR hiện đang đàm phán với các công ty quốc tế, trong đó có một đối tác từ Trung Đông và một vài đối tác từ Đông Nam Á để bán 35% cổ phần trong đợt IPO. Tuy nhiên, danh tính các công ty này không được tiết lộ.

Liên quan tới việc bán cổ phần, trước đó, Tập đoàn Gazprom Neft của Nga từng có ý định mua lại 49% cổ phần góp của PVN tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và đề xuất phương án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư khoảng 1,5 - 3 tỉ USD.

Tuy nhiên kết quả định giá của hai bên còn nhiều khác biệt, đồng thời việc xử lý các khoản nợ của BSR tương đối phức tạp. Do đó, quá trình đàm phán bị kéo dài và không thể hoàn thành trong thời gian hiệu lực của bản thỏa thuận khung (trước ngày 30.6.2015) mà hai bên đã ký. Sau nhiều năm đàm phán, vàotháng 6 năm ngoái, Gazprom Neft đã tuyên bố từ bỏ ý định đầu tư vào Dung Quất.

Trước đó, từng có một số hãng dầu khí của Malaysia, Hàn Quốc đồng ý kết nối vào dự án nhưng sau lại từ chối. Lãnh đạo BSR từng tiết lộ, Việt Nam sẽ tìm kiếm khoản vay 1,2 tỉ USD từ nguồn vốn nước ngoài để đầu tư cho dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất trước khi cổ phần hoá vào năm 2017.

Tuyết Nhung

tuyetnhung