Ngày hội STEM thu hút hàng ngàn học sinh yêu thích khoa học công nghệ tham gia

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:54, 10/05/2017

Ngày hội STEM là một sự kiện được tổ chức hàng năm trong khuôn khổ ngày hội Khoa học và công nghệ Việt Nam từ 3 năm nay và nhận được sự ủng hộ, tham gia của rất nhiều bạn học sinh.

Năm 2017, ngày hội STEM được tổ chức với quy mô rộng rãi hơn khi dành cho học sinh từ 8 đến 18 tuổi ở khu vực phía bắc. Với mục đích phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu-Mỹ, ngày hội STEM là cơ hội tốt để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn các nhà quản lý giáo dục – đào tạo và giáo viên tiếp cận phương pháp học qua hành hướng tới từng học sinh.

Ông Đặng Văn Sơn - người sáng lập học viện sáng tạo S3, Giám đốc chương trình STEM của học viện trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới trong buổi họp báo giới thiệu ngày hội STEM 2017

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới trong buổi họp báo giới thiệu ngày hội của chương trình, ông Đặng Văn Sơn - người sáng lập học viện sáng tạo S3, giám đốc chương trình STEM của học viện cho biết: Đến với ngày hội STEM 2017 được tổ chức vào ngày 14.5 tại Trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, các học sinh sẽ được trải nghiệm các thử nghiệm thú vị do chính các học viên ở STEM sáng tạo như: thiết kế đèn chiếu sáng thông minh, sử ụng toán học ứng dụng để trồng cây trên một hành tinh thông minh, khám phá vũ trụ thông qua các công nghệ thực tế ảo, điều khiển vật thể bằng sóng não.

Đặc biệt ở cấp tiểu học, các học sinh sẽ được chứng kiến các bạn học sinh tại các trường tạo ra nguồn điện từ chính các thức ăn như chuối, khoai tây, củ cải, nước muối biển... Ngày hội sẽ như một cuốn sách hành trình về công nghệ để cho các em học sinh có thể học tập và trải nghiệm thông qua môi trường giáo dục.


Các học sinh sẽ được tham gia trải nghiệm về các thí nghiệmkhoa học công nghệ tiên tiến

Cũng tại khu vực trưng bày, các em học sinh tiếp tục được trải nghiệm một số hoạt động như tập làm index, làm đồ tái chế, giải mật mã, xếp gỗ, làm xe bóng bay, làm con rối, làm thí nghiệm vui như vòi rồng, đĩa nhựa bay, bong bóng xà phòng khổng lồ, pháo dây cháy trong cốc nước, xem trình diễn robot xếp rubic…

Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên sau ba năm tổ chức, Ngày hội STEM có các hoạt động dành riêng cho học sinh THPT như: tương tác với người máy thông minh NAO,tìm hiểu và lái thử xe thám hiểm sao Hỏa; làm một số thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học; thử sức giải đáp kiến thức liên quan đến năng lượng tái tạo, phát triển bền vững bằng Tiếng Anh…

Các bạn nhỏ sẽ được tham gia các hoạt động tùy theo lứa tuổi. STEM dự kiến tiếp đón 1.500 lượt học sinh cùng 500 lượt cha mẹ học sinh và các nhà quản lý giáo dục.

Anh Nguyễn Quang Thạch - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 có mặt tại buổi họp báo

Một trải nghiệm thú vị khác dành cho các bạn nhỏ chính là các em sẽ được tham gia các trò chơi thể thao hay giải trí theo phong cách hiện đại để sống khỏe hơn trong hành tinh thông minh, như giữ thăng bằng để ăn bi, tung hứng, chạy nhảy với sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ. Thông tin về ngày hội STEM đã được cập nhật và chờ đợi sự tham gia của các em học sinh trên địa bàn.

Cũng có mặt tại buổi họp báo,chia sẻ ý kiến của mình với báo điện tử Một Thế Giới, anh Nguyễn Quang Thạch - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí với dự án "Sách hóa nông thôn"cho hay:"Việc kết hợp giữa tăng tủ sách học sinh tại các làng quê nghèo sẽ tạo nên sự ham đọc, ham học đối với các học sinh. Từ đó, các học sinh sẽ kết hợp những kiến thức nhà trường, sách giáo khoa và thực tế để sáng tạo nên các thiết bị khoa học công nghệ có ích hơn cho đời sống, đặc biệt trong cuộc cách mạng khoa học 4.0 sắp tới.

Tôi cũng tin rằng với sự truyền cảm hứng đam mê đọc sách tới các em nhỏthì việc tổ chức các ngày hội STEM hay đưa Việt Nam lên bản đồ ngành Khoa học công nghệthế giới không còn là ước mơ quá xa vời".

Dạ Thảo

Hải Yến