Nghi án Nga cài ‘con bọ’ nghe lén vào phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng
Quốc tế - Ngày đăng : 16:27, 12/05/2017
Báo International Business Times ngày 11.5 nêu trong cuộc gặp, chỉ có một nhà báo Nga được tham dự. Người này thuộc hãng thông tấn TASS (thuộc Nhà nước Nga) và là người chụp ảnh chính thức của Ngoại trưởng Lavrov.
Cựu phó giám đốc CIA David S. Cohen đặt vấn đề trên Twitter của ông: liệu có phải là một ý tưởng hay”, khi cho phép một phóng viên ảnh thuộc chính phủ Nga đem phương tiện vào phòng Bầu Dục, tức văn phòng chính thức của Tổng thống Mỹ. Rồi ông tự trả lời: “Chẳng hay tí nào”.
Bà Yolonda Smith thuộc công ty an ninh mạng Pwnie Express, nói: với khả năng tiếp cận của những thiết bị kết nối với internet gồm điện thoại thông minh, một quan chức nước ngoài chẳng cần phải giấu hoặc tuồn thiết bị nghe lén để hoạt động do thám.
Bà còn nêu ngay cả những công cụ tương đối đơn giản như pin và nút bấm camera có thể thu hình video, ghi âm và nhiều thiết bị gồm điện thoại di động và sóng wifi cũng có thể lập tức gởi thông tin qua internet về một trang web hoặc một máy chủ.
Jayson Street là chuyên gia an ninh thông tin ở Pwnie Express, nói rất dễ kiếm và dễ giấu các thiết bị do thám: “Bạn có thể tìm được một pin giấu camera trên eBay với giá chưa tới 50 USD. Nếu bạn có nguồn quỹ hàng trăm ngàn USD thì cứ thử nghĩ đi, bạn còn có thể kiếm được những thứ gì nữa?”.
Street thậm chí nhấn mạnh: ống kính của phóng viên ảnh không chỉ có thể quay phim, chụp ảnh, mà còn có thể tìm kiếm các tín hiệuhồng ngoại và tín hiệu nhiệt, vốn có thể giúp kiểm tra có gì phía sau những vách gỗ”.
Nhưng Street cũng lưu ý rất hiếm có chuyện một ống kính đáng ngờ có thể lọt được vào phòng Bầu Dục. Ông gợi ý một ai đó có thể dùng một thiết bị phụ như hộp pin, dây đèn để giấu thiết bị do thám: “Nếu là tôi, tôi sẽ chú ý mạnh đến TV thông minh trong khu vực có mở Wifi hoặc kết nối Bluetooth. Nhưng các mục tiêu tốt cũng có thể là máy in”.
Trong khi xem ra việc một người nước ngoài tuồn thiết bị theo dõi vào văn phòng của lãnh đạo cấp cao nhất của nước khác là một hành động trơ tráo, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quốc tế-chiến lược (CSIS) James Lewis nói với báo International Business Times rằng vẫn thường xảy ra những nỗ lực theo dõi này.
Là cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ, ông Lewis nói: “Đấy là một hoạt động chuẩn, rất nhiều nước thực hiện”.
Ông mô tả các thiết bị có thể sử dụng làm “con bọ” nghe lén thì “rất nhỏ, có thể dễ dàng dán dưới một chiếc bàn như dán một miếng kẹo cao su”.
Các thiết bị này bị nhiều hạn chế về kỹ thuật, gồm tín hiệu và tuổi thọ của pin, nhưng chúng tỏ ra hiệu quả trong việc làm “tai nghe” ở những khu vực diễn ra những cuộc nói chuyện nhạy cảm.
Ông Lewis nói“con bọ” do thám đã bị phát hiện ở nhiều cơ quan chính quyền Mỹ, và chúng có nguồn gốc từ nhiều nước chứ không chỉ riêng của Nga.
Nhà Trắng có Văn phòng kỹ thuật chống do thám, thường xuyên tìm “con bọ” nghe lén, nhưng các đợt quét này có thể ngăn chặn nỗ lực do thám dài hạn, chứ không thể chặn ngay lập tức một “con bọ” hoạt động ngắn hạn.
Ông Lewis khuyên nên luôn “quét dọn” sau một cuộc gặp ở bất kỳ nơi nào bạn gặp người Nga, người Trung Quốc hoặc vài người bạn khác đến thăm.
Kim Hương (theo International Business Times)