Học sinh lớp 8 đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 8
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:57, 12/05/2017
Đây là lần thứ 30 cuộc thi viết thư quốc tế UPU được tổ chức tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, Việt Nam tham gia cuộc thi này từ năm 1987, sau 3 năm tham gia đua tài cùng thiếu nhi thế giới, Việt Nam đã 12 lần đoạt giải, trong đó có 2 giải quốc tế, 2 lần giải nhì, 3 lần giải ba quốc tế, và 5 lần giải khuyến khích. Từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam liên tục đạt giải quốc tế với 2 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải khuyến khích. Đặc biệt bức thư đạt giải Nhất quốc tế năm 2016 của em Nguyễn Thị Thu Trang đã gây tiếng vang rất lớn. Qua đây có thể thấy chất lượng của cuộc thi ngày càng được nâng cao.
Cuộc thi là dịp để các em thiếu nhi được bày tỏ suy nghĩ, đề xuất ý kiến của mình về những vấn đề toàn cầu nóng bỏng cần được ưu tiên xử lý trong thế giới hiện đại với ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký mới của Liên Hợp Quốc (nguyên Thủ tướng Bồ Đào Nha, lãnh đạo tổ chức Cao ủy về người tị nạn của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm).
Năm nay, được phát động và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 10.2016 đến tháng 2.2017 với chủ đề “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc (LHQ); vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”, cuộc thi đã nhận được 1.171.328 bài dự thi của các em học sinh trên cả nước.
Bức thư của Nguyễn Đỗ Huyền Vi đạt được giải nhất cuộc thiViết thư quốc tế UPU lần thứ 46
Bức thư của Nguyễn Đỗ Huyền Vi có nội dung chính là tìm giải pháp cho người dân tị nạn chiến tranh. Với một bức thư khác biệt bởi từ đầu đến cuối, Huyền Vi thuyết minh cho một dự án, một kế hoạch cụ thể, có phản biện, có dẫn chứng và lý lẽ sắc sảo. Đây là bức thư đầy ắp hơi thở của thế giới đương đại. Bằng sự hiểu biết sâu sắc về tình hình người tị nạn trên thế giới, với lý luận sắc bén, thuyết phục, bức thư của Huyền Vi đã cuốn hút người đọc và người nhận thư khi đưa ra những vấn đề thực tiễn đã, đang xảy ra với người tị nạn.
Nữ sinh trường THCS Tây Sơn đã phân tích những quyết sách của các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới để dẫn dắt tới giải pháp mua những hòn đảo làm nơi sinh sống cho dân tị nạn từ các nước có chiến tranh. Đồng thời có phân tích cụ thể, rõ ràng để bảo vệ cho những giải pháp của mình đưa ra như một dự án đầy sức thuyết phục và khả thi. Ngôn ngữ trong bức thư rành mạch, trôi chảy và sắc sảo, có chính kiến, quyết đoán nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên đúng với lứa tuổi thiếu niên.
Bức thư của Huyền Vi đã được Ban Tổ chức dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh gửi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ dự thi quốc tế.
Dạ Thảo