Không đăng kiểm tàu, thuyền vật liệu PPC: Ai đúng ai sai?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:44, 14/05/2017
Bế tắc trong đăng kiểm tàu PPC
Tàu vật liệu PPC có nhiều ưu điểm như vật liệu nhẹ, không bị ăn mòn, có thể tái chế nên không gây ô nhiễm môi trường… Công nghệ này do chuyên gia Cộng hòa Séc phát minh và được ứng dụng rộng rãi khoảng 20 năm nay và được kiểm định bởi cơ quan đăng kiểm quốc tế Cslloyd.
Việt Nam là quốc gia được các chuyên gia ưu tiên lựa chọn để chuyển giao trong khi các nước xung quanh và nhiều nước trên thế giới chưa thể sản xuất được
Ở Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp chuyên đóng tàu thuyền bằng vật liệu này là Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Công ty cổ phần công nghệ James Boat (cảng Khuyến Lương, Hà Nội). Sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Cúp vàng tại Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế năm 2012 (Techmart) và được các đơn vị lực lượng Công binh, Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát thủy, Cảnh sát biển… tin tưởng sử dụng.
Tuy nhiên, dù Đăng kiểm Hải quân của Bộ Quốc phòng đã chấp nhận đăng kiểm trên cơ sở kiểm tra thiết kế, thử nghiệm thực tế đối với các phương tiện thủy đóng bằng PPC nhưng sản phẩm này lại không thể cung cấp cho thị trường dân sự do Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) thuộc Bộ GTVT không đăng kiểm.
Phải đến năm 2015 khi các đại biểu quốc hội chất vấn vấn đề này ở Quốc hội thì đến ngày 18.6.2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Cục ĐKVN phải “công nhận kết quả đăng kiểm CsLloyd hoặc Đăng kiểm Hải quân hoặc bất cứ một tổ chức đăng kiểm nào khác thực hiện. Trên cơ sở đó cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện thủy nội địa vỏ PPC trong giai đoạn chưa ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ PPC”.
Lý do là pháp luật không cấm việc đóng tàu bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng với điều kiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện...
Sau chỉ đạo này, nhiều tàu PPC, thậm chí tàu khách PPC lớn, có sức chở 32 người và 56 người do Cty James Boat chế tạo cũng đã được Cục ĐKVN cấp đăng kiểm. Tuy nhiên, ngày 20.12.2016, Bộ GTVT lai ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT (có hiệu lực ngày 28.7.2017) chỉ cho phép đóng tàu thuyền PPC chở đến 12 người. Điều này khiến các doanh nghiệp “mất ăn mất ngủ” và đứng trước nguy cơ phá sản.
Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt – Séc cho biết, Cục ĐKVN không cấp đăng kiểm cho tàu thuyền có sức chở trên 12 hành khách trong khi lại cho đóng tàu lớn đến 20m. Đây là điều hết sức phi lý vì hiện tại tàu dưới 9m Cục ĐKVN đã cấp đăng kiểm cho chở 12 người.
“Việc Cục ĐKVN giới hạn kích thước cũng như số hành khách đối với tàu thuyền đóng bằng vật liệu PPC là cản trở việc phát triển của doanh nghiệp. Việc xác định tàu chở bao nhiêu khách cần phải dựa trên kết quả tính toán thiết kế để quyết định”, ông Đảo nói.
Nguy cơ phá sản vìThông tư43/2016/TT-BGTVT
Ông Đảo cho biết, Công ty Việt-Séc đã ký một loạt các hợp đồng đóng cano cho khách hàng với sức chở từ 20 đến 35 khách. Về mặt công nghệ, quy mô kích thước, công suất động cơ thì các cano chở khách này đơn giản và bé hơn nhiều so với chiếc tàu mà công ty đã đóng và bàn giao cho cảnh sát biển đưa vào hoạt động năm 2014.
“Nếu Bộ GTVT và Cục ĐKVN không cấp đăng kiểm cho tàu thuyền trên 12 khách thì công ty sẽ bị thiệt hại nhiều tỉ đồng, bị phạt hợp đồng và phải đóng cửa sản xuất”, ông Đảo nói.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty James Boat cho biết rất thất vọng với Thông tư 43 của Bộ GTVT khi hạn chế số người tàu được chở là 12 người và đã nhiều lần kiến nghị bỏ nội dung này.
“Thực tế tàu tuần tra cao tốc PPC do Công ty James Boat đóng mới cung cấp cho Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã hoạt động tốt 2 năm nay. Tàu có sức chở 16 thuyền viên, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, thân vỏ ổn định. Tàu đã giúp thủy thủ đoàn đạt được nhiều thành tích trong việc tuần tra, cứu hộ ven biển”, ông Nguyễn Kim Sơn nói.
Còn theo ông Đảo, doanh nghiệp rất mong Bộ trưởng Bộ GTVT tổ chức một buổi họp với sự tham gia đầy đủ các bên liên quan để nghe các tiếng nói phản biện để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Doanh nghiệp làm được và mong muốn phát triển mà cơ quan quản lý cứ tìm đủ lý lẽ để cản trở phát triển là đi ngược lại tinh thần của Chính phủ kiến tạo, đi ngược với việc khuyến khích đưa công nghệ mới vào sản xuất.
Trước nguy cơ phá sản, ông Vũ Văn Đảo đã có công văn gửi Ủy ban Khoa học – Công nghệ của Quốc hội. Trong công văn gửi đến Bộ GTVT của UB Khoa học – Công nghệ Quốc hội, cơ quan này cho biết: “Nhận thấy kiến nghị của doanh nghiệp là có cơ sở thực tế; để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và thúc đẩy ứng dụng vật liệu mới, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, chỉ đạo xử lý, trả lời doanh nghiệp”.
Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có công văn gửi Ban cán sự Đảng Bộ GTVT với nội dung lànhằmtạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và khuyến khích việc ứng dụng vật liệu mới vào sản xuất kinh doanh, đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT quan tâm, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp sau nhiều lần kiến nghị mà không được xem xét, giải quyết.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nói gì?
Trong văn bản gửi báo cáo Bộ GTVT, Cục ĐKVN cho biết trên thế giới, chưa có nước nào hay tổ chức đăng kiểm nào có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu PPC, và vật liệu này mới chỉ được sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17m, sức chở tối đa không quá 12 người. Chưa có nước nào thực hiện việc thử nghiệm đối với tàu, thuyền có sức chở trên 12 người bằng vật liệu PPC.
“Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là nước đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy có sức chở trên 12 người để sử dụng thử nghiệm và cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này”, văn bản nêu.
Cơ quan này cũng cho biết, vật liệu PPC có những vấn đề cần phải xem xét thận trọng khi sử dụng trong đóng tàu thuyền, đó là: dễ cháy, mật độ quang của khói khi cháy cao hơn mức cho phép, có ứng suất chảy cho phép thấp hơn so với các loại vật liệu đóng tàu; đồng thời, vật liệu PPC bị rão (creep) và đặc tính cơ học sẽ suy giảm theo thời gian...
Đối với 2 tàu khách Ferry 42 và Ferry 56 được đưa vào thử nghiệm trong thời gian qua, theo báo cáo của đơn vị sử dụng và đơn vị đăng kiểm quản lý địa bàn thì cả hai phương tiện đều bị sự cố, đã khắc phục sự cố và được cấp hồ sơ đăng kiểm để hoạt động trở lại, nhưng hiện rất ít hoạt động, chủ yếu vận hành để duy trì, bảo dưỡng. Mặt khác, hiện nay, việc sử dụng thử nghiệm mới chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy chưa có cơ sở xem xét đánh giá kết quả sử dụng thử nghiệm đối với tàu loại này.
Theo Cục ĐKVN, do chưa thực sự có đầy đủ các cứ liệu khoa học cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho việc ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy nội địa có kích cỡ và sức chở người lớn hơn so với quy định của QCVN 95: 2016/BGTVT, nên Cục ĐKVN báo cáo Bộ GTVT để phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thử nghiệm các phương tiện thủy nội địa có kích cỡ và khả năng chở người lớn hơn so với quy định của QCVN 95: 2016/BGTVT.
Đồng thời, cơ quan này đề nghị tổ chức đánh giá và báo cáo kết quả thử nghiệm trước 30.6.2018 theo kế hoạch; thu thập đầy đủ các căn cứ khoa học, thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho việc chế tạo các phương tiện thủy nói trên…
Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cho biết không đồng tình với báo cáo của Cục ĐKVN.
Trí Lâm