Nhiều khách hàng lo ngại về mức cam kết lợi nhuận BĐS nghỉ dưỡng
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:02, 15/05/2017
Thanh khoản giảm
Theo Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi Châu Á (DKRA), thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong quý 1/2017 đang có sự chuyển dịch về vị trí nguồn cung. Ngoài những khu vực quen thuộc như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang; các chủ đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến những thị trường mới như Bà Rịa -Vũng Tàu, Thanh Hóa, Bình Thuận, Quảng Nam, Bình Định.
Tuy nhiên, DKRA cho rằng lượng tiêu thụ một số dự án có dấu hiệu giảm nhiều so với những quý trước. Nhiều khách hàng bắt đầu lo ngại về chính sách cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư và pháp lý sở hữu 50 năm của dự án.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2017 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy thanh khoản trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, tổng nguồn cung thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại 2 thành phố lớn là Đà Nẵng và Nha Trang trong 3 tháng đầu năm đạt gần 5.300 căn nhưng giao dịch thành công chỉ đạt ¼, tập trung chủ yếu ở dòng sản phẩm condotel.Hiện tại, nhiều nhà đầu tư khá thận trọng và thường chọn những dự án có đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới đây của Savills, dù đánh giá bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc thu hút cả chủ đầu tư và người mua với sự phát triển của du lịch Việt Nam, thế nhưng khả năng lấp đầy và sinh lời lại không như kỳ vọng.
Người muathận trọng
Ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định đối với bất động sản nghỉ dưỡng, đa số chủ đầu tư thường cam kết lợi nhuận ít nhất là 3 năm. Đa số các dự án hiện đều bàn giao 2017-2018 nên bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn là kênh đầu tư khá hấp dẫn.
Tuy nhiên, việc cam kết lợi nhuận đang biến tướng do bất kỳ dự án nào cũng cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Có những dự án ở nhiều vị trí không tốt hoặc khai thác không hiệu quả nhưng vẫn được chủ đầu tư quảng cáo với mức thu lợi lớn.
“Khách hàng đang bắt đầu nhận ra điều này, thế nên thị trường này sẽ chững lại một thời gian nhất định nào đó trong năm. Trong 1-2 năm tới, chúng ta mới có thể nhận định được tương lai của mô hình này tốt như thế nào”, ông Quang nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá chiêu cam kết mức lợi nhuận 8%, 10%, 12%/năm... được giới kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng sử dụng khá phổ biến.
“Mức lợi nhuận này quá hấp dẫn, như một lời khuyến khích những người quan tâm đầu tư vào dự án của họ. Thế nhưng, nếu lỡ đầu tư mà không được mức lợi nhuận đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho người mua?”, ông Đực đặt câu hỏi.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung cũng cho rằng nhiều chủ đầu tư đã đánh vào yếu tố tâm lý khách hàng khi đưa ra mức lợi nhuận rất cao. Trước đây, mức cam kết này khoảng 6%/năm thì nay đã xuất hiện những dự án cam kết lợi nhuận lên đến 12%, thậm chí 15%/năm.
Đồng quan điểm, ông Rudolf Hever -Giám đốc bộ phận Tư vấn Khách sạn Savills châu Á - Thái Bình Dương cho biết ngày càng nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cam kết lợi nhuận hấp dẫn nhưng trên thực tế, chủ đầu tư khó có thể đảm bảo phần lợi nhuận đã cam kết và vì thế nó ngày càng trở nên rủi ro hơn đối với người mua.
Do đó, khi lựa chọn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng để đầu tư, người mua nên cân nhắc lựa chọn các sản phẩm có chất lượng từ các chủ đầu tư uy tín.
Về phía chủ đầu tư, khi lựa chọn mô hình phát triển, cần hoạch định tốt cũng như thực hiện nghiên cứu khả thi ngay từ ban đầu để có thể có được một sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường, cũng như khả năng tài chính và đảm bảo vận hành tốt trong tương lai.
Phan Diệu