Người phụ nữ khiến vua Bảo Đại phải bãi bỏ cả hậu cung (kỳ 1)

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:54, 16/05/2017

Trong lịch sử, việc trở thành hoàng hậu dường như là ước mơ của nhiều người, không dám có điều kiện hay yêu cầu gì khác. Thế nhưng riêng với Nam Phương hoàng hậu, vua Bảo Đại đã phải bỏ qua nhiều điều cấm kỵ, thậm chí bãi bỏ luôn cả hậu cung chỉ để cưới được bà làm vợ.

Triều nhà Nguyễn rất kỵ việc sắc phong hoàng hậu sớm. Ngoại trừ Thừa Thiên Cao hoàng hậu và Thuận Thiên Cao hoàng hậu thời vua Gia Long đầu nhà Nguyễn ra, cho đến tận cuối nhà Nguyễn, trước thời vua Bảo Đại, thì phi tần chết rồi mới có người được phong làm hoàng hậu. Thế nhưng ngày cưới cũng chính là ngày mà vua Bảo Đại tuyên bố sắc phong cho Nam Phương hoàng hậu, vua cũng bãi bỏ luôn cả hậu cung và cam kết “một vợ một chồng” với bà.

Mặc dù sau này, Bảo Đại đã liên tục có thêm những cuộc tình khác (mà trong đó hai người được gọi là “thứ phi”, mặc dù ông đã thoái vị), nhưng trong suốt những năm đầu ngồi trên ngai vàng, quả thật vua Bảo Đại đã rất trân trọng và tuân thủ lời hứa đối với Nam Phương hoàng hậu. Sự buông thả này có lẽ chỉ có Bảo Đại và những người quanh ông ở thời điểm khó khăn những năm 1940 mới biết được chính xác câu trả lời…

Nhưng rốt cuộc thì hoàng hậu Nam Phương mang trong mình điều gì mà khiến vua Bảo Đại phải phá bỏ các phép tắc và vượt qua sự phản đối của hoàng tộc để cưới được bà?

Thân thế

Nam Phương hoàng hậu tên thật là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, tên thánh là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914, con của một gia đình hào phú vùng Nam Bộ ở huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Ông ngoại của bà là Lê Phát Đạt – người giàu nhất Nam Bộ đầu thế kỷ 20.

Nam Phương Hoàng hậu thời còn học ở Pháp

Lúc còn trẻ, Nguyễn Hữu Thị Lan đã nổi tiếng bởi dáng người cao, xinh đẹp, lại có học thức. Năm 12 tuổi bà đã sang Paris, Pháp, học ở trường Couvent des Oiseaux. Đến năm 18 tuổi (1932), có sách ghi rằng bà đậu tú tài rồi về nước. Nếu đây là sự thật thì quả là điều hiếm có với người phụ nữ Việt vào thời đó. Nhưng về vấn đề này, vua Bảo Đại chỉ ghi là:“Elle vient de terminer ses études au Couvent des Oiseaux, en France”, có nghĩa là“cô ấy vừa mới kết thúc học tập tại trường Couvent des Oiseaux, Pháp”.

Năm 1933, Nguyễn Hữu Thị Lan gặp vua Bảo Đại và một năm sau thì tổ chức lễ cưới. Có nhiều người cho rằng trước khi gặp vua Bảo Đại, bà đã 3 năm liền là hoa hậu Đông Dương. Nhưng theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì“thời Pháp thuộc chưa từng có cuộc thi Hoa hậu Đông Dương”. Hơn nữa Nguyễn Hữu Thị Lan sang Pháp từ năm 12 tuổi, từ Pháp về nước năm 1932, đến khi gặp vua Bảo Đại là mùa hè năm 1933, thời gian 1 năm ngắn ngủi khó có thể tham dự đến 3 cuộc thi cỡ “Hoa hậu Đông Dương” trừ phi các cuộc thi này được tổ chức ở Pháp. Nhưng cũng không có tư liệu nào về một cuộc thi như vậy ở Pháp cả.

Tất nhiên, dù không phải hoa hậu, Nguyễn Hữu Thị Lan vẫn sở hữu nhan sắc và sự thùy mị khiến vua Bảo Đại say mê…

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Trong hồi ký của mình, vua Bảo Đại kể rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông và Nam Phương hoàng hậu diễn ra tại Đà Lạt vào mùa hè năm 1933, trong bữa tiệc của quan Đốc lý người Pháp.

Khách Sạn Palace Đà Lạt, nơi gặp mặt lần đầu của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương

Còn hoàng hậu Nam Phương thì kể: Hôm đó ông Darle, Đốc Lý thành phố Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phát Anvà tôi đến dự dạ tiệc ở Hotel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà Vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài và chỉ mặc cái áo dài bằng lụa đen mua bên Pháp thôi.

Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi ông vừa nói: “Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được”. Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà. Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói:

-Votre Majesté, Monsieur Lê Phát An et sa nièce, Mademoiselle Marie Thérèse. (Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse)

Vua Bảo Đại viết về cảm xúc khi gặp mặt vợ lần đầu:“Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”.

Còn hoàng hậu Nam Phương sau này kể lại rằng: Nhờ các nữ tu ở trường Convent des Oiseux khi trước từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc quân vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng đế quỳ gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa trỗi theo nhịp Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.

Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo cung cách lễ nghi Âu tây đối với ngài.

Bảo Đại cũng viết trong cuốn “Con rồng Việt Nam” rằng: Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỷniệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng.

Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam.

Nhưng để đến được với nhau, vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu còn phải vượt qua hai khó khăn lớn là tôn giáo và sự ngăn cản của triều đình.

Vượt qua những trở ngại

Theo vua Bảo Đại, từ ngày ông về nước (16.8.1932) chấp chính, có rất nhiều những tin đồn xung quanh việc chọn một người vợ cho ông. Thân mẫu vua là bà Từ Cung đã đành, mà các vị quan lớn trong triều, mỗi người đều có đề cử riêng, quá nhiều người, quá nhiều đề cử. Có tài liệu cho rằng hoàng tộc ở Huế đã chọn Bạch Yến là ái nữ của quan thượng thư Nguyễn Đình Tiên làm vợ vua. Vậy thì sự xuất hiện của Nguyễn Hữu Thị Lan là một xáo trộn nằm ngoài dự liệu.

Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất là Nguyễn Hữu Thị Lan theo Công giáo. Khi trở về Huế, vua Bảo Đại ngỏ ý lấy vợ theo Công giáo, lại được đào tạo ở Tây phương. Một con gái gia đình không chức tước, quen tự do phương Tây, lại theo Công giáo thì làm sao có thể giữ được khuôn phép khi làm dâu hoàng tộc? Bà Từ Cung không đồng ý vì muốn một cô con dâu truyền thống, quan lại có người chống đối vì quyền lợi, có người ái ngại vì văn hóa khác biệt, rồi còn vấn đề giáo dục con cái theo đạo nào và thờ cúng tổ tiên như thế nào nữa…

Các đại thần, nhất là cụ Tôn Thất Hân, người đứng đầu Viện Cơ mật và Tôn Nhân phủ đã phản đối gay gắt việc vua Bảo Đại lựa chọn Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ.

Nhưng cuối cùng, vua Bảo Đại cứng rắn đáp lại triều đình:“Trẫm cưới vợ cho trẫm chứ có cưới vợ cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình đâu!”

Bên cạnh những khó khăn đó, vua Bảo Đại còn phải đồng ý với điều kiện của gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan:

- Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng Hậu Chánh Cung ngay trong ngày cưới.

- Được giữ nguyên đạo Công giáo, và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo.

- Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.

- Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.

Để vua Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan tiến đến hôn nhân, người Pháp đã xin Tòa Thánh Vatican cho phép người nào giữ đạo nấy, thế nhưng đám cưới đang đươc chuẩn bị thì Tòa Thánh trả lời không đồng ý. Đám cưới vẫn diễn ra, và vì điều này mà hoàng hậu Nam Phương bị Giáo hoàng rút phép thông công, đến khi Giáo hoàng mới lên kế nhiệm vào năm 1939 mới tha phạt vạ.

Trong hồi ký của mình, vua Bảo Đại kể rằng sau khi làm đám cưới xong, vua gửi cho Giáo Hoàng Pius 11 một lá thư qua trung gian người Pháp, trong đó bày tỏ quan điểm lập trường cởi mở của mình đối với cuộc hôn nhân, vấn đề dạy dỗ con cái, và sự khác biệt trong văn hóa Đông – Tây.

Đối với Nguyễn Hữu Thị Lan, bà cũng phải đương đầu với một vấn đề khác. Những chỉ dụ cấm đạo và sát đạo hồi nào mới chỉ vừa ráo mực, nếu là một người không có sự mạnh mẽ, can đảm, có đức tin, thì liệu có dám dấn thân làm hoàng hậu hay không? Có thể nói rằng bà đã rất dũng cảm khi đi đến quyết định đó.

Vượt qua những trở ngại ấy, tận đến khi rước dâu, bên phía nhà trai thậm chí có rất ít người đi, khiến nhà gái phải chờ nhà trai mất một ngày vì sự chậm trễ.

Dù nhà trai bị gượng ép phải đồng ý cuộc hôn nhân này, nhưng đám cưới cuối cùng cũng được hoàn tất. Một đám cưới thu hút rất nhiều sự quan tâm và bình luận lúc bấy giờ bởi vì nó phá bỏ hầu hết các quy định phép tắc trước đó.

Vua Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương như sau:

Tôi đã chọn tên trị vì cho Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép nàng được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế.

Về đám cưới, Bảo Đại viết trong hồi ký:

Nam Phương mặc chiếc áo rộng thùng thình, chân đi hài mũi cong, đầu đội vương miện có đính vàng ngọc châu báu óng ánh. Nàng đi một mình đến giữa tấm thảm, tất cả triều thần cúi chào. Với một vẻ đẹp tuyệt vời nàng đi thẳng vào các phòng lớn, tôi đang ngồi chờ nàng trên một cái ngai thấp ở đó. Nàng đến đứng trước mặt tôi, cúi đầu chào tôi ba lần rồi ngồi ở cái ngai bên phải của tôi. Buổi lễ ngắn ngủi chấm dứt. Hoàng hậu đã ở bên tôi, chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng qua Tử Cấm Thành vào điện Kiến Trung – nơi ở và làm việc của chúng tôi.

Ông cũng bày tỏ: Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình. Và đó chính là Nam Phương hoàng hậu.

(Còn tiếp)

Theo Trần Hưng/Trí thức vn

Theo Trí Thức vn