Ông Trương Đình Tuyển: Mâu thuẫn khi cam kết bảo hộ Lọc dầu Nghi Sơn
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:54, 16/05/2017
Phát biểu tại Hội thảo "Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế" ngày 16.5, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.
Theo đó, nếu năm 2018, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại thì theo thỏa thuận với nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.
Trong khi đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng thuế nhập khẩu sẽ còn 0% từ năm2024, dầu Diesel và Mazzut là 0% từ 2016. Còn VKFTA, thuế nhập khẩu Diesel từ 2016 là 5% và từ 2018 là 0%. Riêng dầu Mazut từ 2016, thuế nhập khẩu đã là 0%.
"Như vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết ATIGA và cam kết bảo hộ Lọc dầu Nghi Sơn. Đây là lỗi của đàm phán và khiếm khuyết của chúng ta", ông Tuyển cho hay.
Theo ông Tuyển, việc cắt giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vì khối lượng nhập khẩu lớn, thuế suất những năm đầu còn khá cao, nhất là mặt hàng xăng.
Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu của tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, việc cắt giảm được thực hiện theo lộ trình, không tạo ra đột biến lớn. Mặt khác, khi giảm thuế nhập khẩu, giá bán ra thị trường cũng giảm theo, kéo theo chi phí sản xuất, dịch vụgiảm, lợi nhuận tăng, góp phần tăng thu ngân sách, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh, Nhà nước có thể thu nhiều hơn từ sự gia tăng hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh cho biết điểm mấu chốt của Lọc dầu Nghi Sơn do một tổ hợp các nhà đầu tư PVN, Kuwait... góp vốn là đã được Chính phủ Việt Nam chấp nhận những khoản ưu đãi rất lớn và cam kết nếu lỗ thì PVN sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam bù lỗ. Những ưu đãi này đã được chấp nhận khi chưa xét đến hàng loạt FTA sắp ký kết và nay thì chuẩn bị có hiệu lực, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực rồi
Nói về những ưu đãi với Lọc dầu Nghi Sơn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từng nhận định Nhà máy hoá dầu Nghi Sơn được hưởng hàng loạt ưu đãi thuế, hàng năm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu là nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng với nhà máy này nguồn thu của ngân sách là thất thu. Bên cạnh đó, dự án cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Với mức ưu đãi vừa nêu sẽ làm giảm khoản thu lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn.
Trong khi đó, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lại đặt ra phương án cổ phần hóa để giảm sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường cũng như giá cả vì quỹ bình ổn cần được xem xét một cách cầu thị từ thực tế. Cổ phần hóa sẽ là điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp FDI thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Lọc Dầu Nghi Sơn có tới trên 70% là vốn của nước ngoài, PVN chỉ là cổ đông nội duy nhất góp vốn vào dự án.
Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), có vốn đầu tư lên đến 9 tỉ USD. PVN là đối tác nội duy nhất và là 1 trong 4 đối tác góp vốn vào dự án. Tuy nhiên, vai trò của PVN ở dự án này không chỉ dừng lại ở số vốn góp chiếm 25,1%.
Theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Nhà nước Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này. Đây chính là mấu chốt cho các tính toán thiệt hơn ngày càng lộ rõ.
Theo một tính toán, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỉ USD. Số tiền bù lỗ này sẽ lên 1,8 tỉ USD nếu giá dầu 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỉ USD để bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.
Tóm lại, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5- 2 tỉ USD (từ 30.000 tỉ - trên 40.000 tỉ đồng) để bù lỗ cho dự án này.
Tuyết Nhung