Vĩnh Phúc giải trình sao về việc phá rừng làm nghĩa trang?
Sự kiện - Ngày đăng : 21:50, 16/05/2017
11 hộ nhưng có mấy trăm lá đơn?
Theo ông Lục, các chuyên gia bình luận việcVĩnh Phúc đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (huyện Tam Đảo) làm công viên nghĩa trang là không thể chấp nhận. Điều này vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch, đang đi ngược với khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Cao Lục dẫn ra sự việc hàng nghìn mét vuôngrừng phòng hộ bị chặt phá không thương tiếc gây bức xúc cho người dân tại rừng phòng hộ núi Đá Bia, thôn Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên. Việc này diễn ra từ năm 2016 đến nay vẫn còn một số nhóm phá rừng trái phép hoạt động như một công trường với máy xúc, máy ủi hoạt động hết công suất để phá núi, rừng.
Giải trình vấn đề này, ông Vũ Chí Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo quy hoạch phát triển thì kết cấu hạ tầng ở Vĩnh Phúc chưa đồng bộ, lò hóa thân hoàn vũ cả tỉnh chưa có, người chết muốn hóa thì phải mang sang tỉnh khác để làm. Công viên nghĩa trang về quy hoạch ở đây không có hung táng mà chỉ cát táng và hỏa táng.
“Vĩnh Phúc có diện tích 1.200km2, trong đó, diện tích đồng bằng chỉ có 3 huyện, thì không thể mang nghĩa trang ra huyện đồng bằng để làm. Nhưng xin khẳng định, quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Trong thuyết minh đã có vị trí này, và bây giờ chúng tôi mới có cơ hội đặt vấn đề căn cơ để thực hiện”, ông Giang nói.
Cũng theo vị này, theo thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cơ quan chức năng sẽ sớm đưa khu vực liên quan ra khỏi diện tích rừng phòng hộ để phát triển kinh tế xã hội, chứ không phải rừng phòng hộ đầu nguồn.
“Ở đây, rừng chỉ giao khoán cho 11 hộ nhưng có mấy trăm cái đơn là câu chuyện mà tỉnh đã giao cho Công an tỉnh làm rõ”, ông Giang cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, núi Tam Đảo chiếm 1/4 diện tích của tỉnh. Hiện nay tỉnh mới xin chủ trương quy hoạch chứ sử dụng diện tích bao nhiêu, bao nhiêu đất rừng, bao nhiêu đất ruộng là chưa có.
"Hiện đồi vẫn nguyên, cây vẫn nguyên. Tháng 6.2016 tỉnh đã khoanh định 111 vùng cấm khai thác khoáng sản, nhưng thực tế khoáng sản ở đây hàm lượng rất nhỏ. Tỉnh sẽ rà soát tổng thể vấn đề xây dựng nghĩa trang. Việc xây công viên nghĩa trang giúp tỉnh phát triển bền vững", ông Trì nói.
Không để dân sống ô nhiễm
Liên quan đến việc thu hồi 256ha đất nông nghiệp giao cho doanh nghiệp, Vĩnh Phúc cho rằng người dân phản ứng mạnh với dự án này vì họ cho rằng đây là “đất tổ tiên, đất xương máu” của họ. Trong khi đó, đất ở đây chủ yếu là cát pha, ngườidân hiện nay chủ yếu trồng cỏ voi, chăn nuôi bò, một xã có tới 7.500 con bò, gây ô nhiễm rất lớn.
Hiện doanh nghiệp đã xây dựng một resort tại đây và đang có chủ trương xây dựng khu du lịch sinh thái. “Chúng tôi thấy cần thiết, nhưng sẽ tiến hành theo cách thức là đấu giá đất, ai làm cũng được, miễn là có lợi cho dân, cho tỉnh. Tất nhiên một bộ phận người dân chưa hiểu, nhưng phải vận động từng bước, đồng thời có cơ chế, chính sách để người dân phấn khởi”, ông Trì nêu quan điểm.
“Chúng tôi cũng mời Vinamilk về cùng để tái cơ cấu đàn bò và doanh nghiệp này cũng cho biết, sau 2018 sẽ không mua sữa của những đàn bò của gia đình có dưới 10 con”, ông Trì nói.
Vị này cũng cho rằng, định hướng của tỉnh là phát triển công nghiệp làm nền tảng, du lịch làm đột phá, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi. Do đó, tỉnh buộc phải thay đổi để nâng cao chất lượng, không để người dân sống trong môi trường ô nhiễm.
Về tình trạng sạt lở tại xã Đôn Nhân, Vĩnh Phúc cho biết đây là khu vực bờ sông có kết cấu đất yếu, bờ rời, bên dưới chủ yếu là lớp đất cát, dễ sạt lở khi có biến động dòng chảy. Thời gian cuối tháng 2 đầu tháng 3 có hiện tượng xả nước hồ thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng sạt lở.
Tại vị trí này UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ sông. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án thì quá trình sạt lở vẫn diễn ra ngay khu vực đầu kè đã bị sạt lở gần 6.500m3 đất. Các ngành xác định nguyên nhân không phải do khai thác cát gây ra.
Ngày 11.5.2017, ông Đỗ Văn Giáp, cựu chiến binh, có đơn khiếu nại việc công ty Hoàng Phát khai thác cát sỏi gây sạt lở. Thanh tra tỉnh về làm việc xác định nguyên nhân bước đầu xác định không phải do Công ty Hoàng Phát gây ra...
Lý do là UBND xã ký hợp đồng với hai hộ dân lập bến nuôi trồng thủy sản. Hai hộ này thực tế tập kết cát sỏi về đây để bán. Để có đường vào hai bến này, họ có đào luồng cho tàu vào. Kiểm tra trực tiếp hoạt động của công ty Hoàng Phát, Công ty này khai thác trong ranh giới đã được cấp phép.
Về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở sông Phan, tỉnh Vĩnh Phúc thông tin rằng đây là nơi tiếp nhận nguồn nước thải của khu dân cư dọc hai bên bờ sông. Tuy nhiên, chất lượng sông Phan vẫn bảo đảm quy chuẩn.
Theo đó, không có tình trạng đổ chất thải nguy hại xuống sông Phan, dầu mỡ khi tháo dỡ người dân cũng thu gom hết, tiếp tục bán chứ không có chuyện đổ tự nhiên ra môi trường.
Theo tỉnh Vĩnh Phúc, đây là làng nghề truyền thống có từ rất lâu, nhiều lần tỉnh đã mời các đoàn chuyên gia quốc tế về giúp tỉnh xử lý vấn đề môi trường. Tỉnh cũng đã có chủ trương xây dựng làng nghề để đưa các hộ gia đình tháo dỡ ô tô vào khu này để quản lý nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên khó có thể tìm giải pháp nào chuyển đổi ngành nghề.
Ngày 9.3 có việc một xe hút nước thải rồi xả ra môi trường, Sở đã phát hiện xe này của Công ty Đô thị Vĩnh Yên và xử phạt 120 triệu đồng.
Về tình trạng ô nhiễm ở sông Phó Đáy, qua xác minh cho thấy do giá lợn thấp, dân bỏ đói lợn đến chết. Ban đầu xác định dân ở một số xã của tỉnhTuyên Quang vứtxác lợn trôi xuống sông Phó Đáy gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau đó tỉnh Vĩnh Phúc đã cho chôn lấp số lợn trên. Cơ quan chức năng cũng đã cho kiểm tra mẫu nước sông và kết quả cho thấy vẫn nằm trong tiêuchuẩn cho phép.
Nam Phong