Khó cạnh tranh, 2 công ty của Vinachem 'cầu cứu' Bộ Công Thương

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:31, 17/05/2017

Công ty cổ phần DAP (Vinachem) và Công ty cổ phần DAP số 2 (Vinachem) đã gửi hồ sơ lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và yêu cầu quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều tra tự vệ, giải cứu DN trong nước

Cục Quản lý cạnh tranh chiều 17.5 cho biết vừa nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu từ các quốc gia vào Việt Nam, với cáo buộc việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước.

Cục này cũng cho biết quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón nhập khẩu vào Việt Nam là bắt nguồn từ những yêu cầu của Công ty cổ phần DAP (Vinachem) và Công ty cổ phần DAP số 2 (Vinachem).

Để giải cứu doanh nghiệp phân bón trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với hàng hóa nêu trên.

Theo đó, hàng hóa bị điều tra là các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp có thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân P2O5, trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%.

Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như Ma-giê (Mg), Can-xi (Ca), Lưu huỳnh (S), Ka-li (K)… hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hoá học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm.

Cục Quản lý cạnh tranh khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để đảm bảo quyền và lợi íchtheo quy định của pháp luật.

"Oằn mình" cạnh tranh

Bộ Công Thương cho biết năm 2016, lượng nhập khẩu phân bón dù giảm 7% về lượng và 21% về trị giá, nhưng tổng lượng nhập khẩu vẫn đạt 4,2 triệu tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD.

Trong năm 2016, bức tranh chung của hoạt động sản xuất phân bón của Việt Nam khá ảm đạm do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi như nhu cầu trong nước suy giảm, các nhà máy đạm phía bắc ngừng hoạt động, giá bán giảm về mặt bằng thấp, áp lực cạnh tranh gia tăng và tác động không thuận lợi của nhiều chính sách thuế. Các yếu tố kém khả quan, dù nhiều dù ít đã phản ánh lên kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành năm vừa qua.

Thống kê 8 doanh nghiệp hoạt động trong ngành phân bón, riêng trong quý 4/2016, tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp này đạt hơn 8.145 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt chỉ đạt hơn 395 tỉ đồng, giảm 51%.

Tốc độ nhập khẩu mặt hàng này đã tăng trở lại, khi quý 1/2017, cả nước đã chi 338 triệu USD để nhập 1,22 triệu tấn phân bón, tăng 31,5% về lượng và gần 24% về giá trị so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là mặt hàng phân urea nhập khẩu trong quý 1 lên tới 231.000 tấn, gấp đôi về lượng so với cùng kỳ năm 2016.

Với lượng phân bón đổ về thị trường nội địa trong năm 2016 và tiếp đà gia tăng trong những tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thực sự gặp khó khăn chồng chất.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết năm 2017, Trung Quốc sẽ không áp dụng thuế xuất khẩu với mặt hàng phân bón Ure, DAP, TSP, riêng NPK giảm từ 30 xuống còn 20%. Theo đó, dự báo trong năm nay, lượng phân bón nhập từ Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành phân bón hiện đối mặt với nhiều khó khăn, sản xuất phân urea và NPK trong nước đang ở tình trạng cung vượt cầu, trong khi hàng nhập khẩu vẫn tăng cao, cạnh tranh khốc liệt về giá.

Trong khi đó, dự trù lượng phân bón nhập khẩu năm 2017 mà Bộ Công Thương đưa ra là 4,2 triệu tấn, tuy nhiên khả năng con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng lên rất cao khi thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam đã thay đổi chính sách thuế xuất khẩu nhiều loại phân bón để gia tăng lượng hàng bán ra. Đáng chú ý, giá phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc lại tiếp tục giảm mạnh càng khiến ngành sản xuất trong nước càng thêm "chật vật".

Tuyết Nhung

tuyetnhung