PGS.TS Ngô Trí Long: ‘Chưa sử dụng hết khung thuế cũ đã tăng khung thuế mới là không nên’
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:12, 20/05/2017
Liên quan tới đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã đưa ra quan điểm rằng, thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào và cho rằng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế.
Khẳng định Hiệp hội xăng dầu “ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa để làm sao luôn chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách”, ông Ruệ nhiều lần nhấn mạnh “là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách”.
Ý kiến của ông Ruệ đã khiến dư luận “dậy sóng” thêm một lần nữa trong vấn đề tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu của Bộ Tài chính.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, mức khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính là mức khung tuyệt đối, điều này gây bất lợi cho toàn ngành kinh tế.
Nói rõ hơn điều này, ông Long cho biếtthông thường các nước trên thế giới tính thuế theo phần trămgiá trị chứ không tính theo khung tuyệt đối.Tính thuế theo phần trămthì khi giá trị mặt hàng xăng dầu tăng thì thuế tăng, giá trị mặt hàng xăng dầu giảm thì thuế giảm, sẽ có lợi cho nền kinh tế. Còn nếu như tính thuế theo khung tuyệt đối thì dù giá trị mặt hàng xăng dầu dù tăng hay giảm thì cũng phải chịu mức thuế như vậy.
“Việc đánh thuế theo khung tuyệt đối chỉ lợi cho Nhà nước chứ không có lợi cho toàn ngành kinh tế”, ông Long nói.
Hiện nay, với mặt hàng xăng mức thuế bảo vệ môi trường được áp chỉ là từ 1.000 đồng đến 4.000 đồng và hiện tại đang duy trì là 3.000 đồng. Như vậy,dư địa còn lại của mức khung thuế cũ là 25% -mộtdư địa lớn.
“Bộ Tài chính muốn nâng lên mức 8.000 đồng nhưng lại chưa sử dụng hết khung mức cũ. Nếu như Bộ đã sử dụng lên mức 4.000 đồng rồi thì có thể đề xuất mới. Nhưng dự địa cũ vẫn còn như vậy mà tăng khung thuế nên như thế là không nên”, ông Long nói.
Thêm vào đó, theo ông Long, một lít xăng còn phải chịu rất nhiều loại thuế khác, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì ảnh hưởng lớn đến quá trình cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi giá xăng tănglàm cho giá thành tăng, chi phí tăng và làm hạn chế cạnh tranh.
Mặt khác, ông Long cho rằng, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta còn thấp, so với thế giới cũng thấp nên khoan sức dân. Phải khuyến khích cho kinh tế phát triển nên để nó ở mức hợp lí để khuyến khích sản xuất lâu dài, khuyến khích chi tiêu được nhiều hơn. Do đó, con đường để tăng hiệu quả thì phải ổn định hoặc giảm thuế chứ không nên tăng.
Ông Long cũng cho rằng, việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu cũng chỉ nên dùng để chi cho môi trường chứ không nên dùng để bù đắp vào ngân sách thiếu hụt.
“Quan điểm về mặt tài chínhcho rằng thu thuế vì mục đích nào sẽ phải sử dụng cho mục đích đó. Như thu thuế môi trường đối với xăng dầu thì nên sử dụng cho mục đích môi trường chứ không nên sử dụng để bù đắp vào ngân sách thiếu hụt. Ngân sách thâm thủng là do chi thường xuyên quá lớn do nhiều vấn đề rồi lấy cái nọ bù cái kia thì làm kiệt quệ năng lực sản xuất của doanh nghiệp của người dân thì không hợp lí”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, trong quá trình thu thuế nên đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
“Nguyên tắc của thu thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có nguồn thu. Muốn thu thì phải nuôi dưỡng chứ đừng để vắt kiệt ra. Mà muốn nuôi dưỡng thì phải có khung thuế hợp lí để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển tốt. Đó mới là nguyên tắc thu thuế bền vững”, ông Long nói.
Đồng quan điểm này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng việc tăng khung thuế không phải chính sách tốt lúc này.
“Điều quan trong hơn cả chính là xét đến sự công bằng đối với người tiêu dùng và phải cân bằng tính toán lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Ai cũng biết ngân sách đang khó khăn nên mới phải thu thêm nhưng thu thì cũng phải thu bền vững. Làm sao thu được hôm nay đủ giải quyết nhu cầu và còn tạo ra được khả năng để thu về nhiều hơn trong một thời gian nhất định sau này”, ông Hồ nói.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng, trong khi Việt Nam đang chủ trương khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân (bao gồm cả hộ gia đình), cần “khoan sức dân”, dành bớt lại cho người dân tích lũy để đầu tư phát triển, từ đó sẽ có tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, thu ngân sách nhiều hơn. Nếu không như vậy mà “bóc ngắn cắn dài” thì tình hình sẽ có thể khó khăn hơn, không thể phát triển nhanh và bền vững.
Trả lời báo giới trước đó, Bộ Tài chính nêu quan điểm, hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu.
Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Tỷ lệ thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nước. Trên cơ sở tính toán tất cả các yếu tố nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế BVMT từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít là phù hợp (khung áp dụng cho lộ trình dài).
Trên cơ sở đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu trong phạm vi khung quy định tại Luật cho phù hợp.
Hoài Phong