Gang thép Thái Nguyên đưa ra nhiều quyết sách thoát khó

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:08, 21/05/2017

Theo dự kiến, đại hội đồng cổ đông của Tisco sẽ thông qua nhiều quyết định quan trọng, trong đó có chủ trương phát hành thêm cổ phiếu tối đa 2.000 tỉ đồng và bầu bổ sung, thay thế một số thành viên trong hội đồng quản trị.

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) ngày 19.5 đã phát thông báo liên quan đến việc triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017, dự kiến đượctổ chức vào ngày 29.6 tới.

Tại cuộc họp này, Tisco dự kiến sẽ thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, công ty sẽ sửa đổi điều lệ, giảm vốn từ 2.840 tỉ đồng xuống còn 1.840 tỉ đồng và bỏ nội dung nói về cổ đông chiến lược.

Đáng chú ý, công ty sẽ thông qua chủ trương về việc phát hành thêm cổ phiếu tối đa 2.000 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhà đầu tư "rót" thêm 2.000 tỉ đồng vào công ty.

Bên cạnh đó, tại đại hội này, Tisco cũng sẽ tổ chức bổ sung thay thế 3 thành viên Hội đồng quản trị, 2 thành viên Ban kiểm soát công ty. Tisco cho biết ngày đăng ký cuối cùng để tham dự đại hội đồng cổ đông là vào 29.5 tới.

Được biết, việc điều chỉnh vốn điều lệ của Tisco diễn ra sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ phần vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng tại Tisco theo hình thức giảm vốn điều lệ. Cụ thể, vào ngày 25.4 vừa qua, SCIC đã bán toàn bộ 100 triệu cổ phiếu tại Tisco và không còn là cổ đông của doanh nghiệp này nữa.

Việc giảm vốn điều lệ, thay thế bổ sung nhân sự và phát hành thêm cổ phiếu cho thấy Tisco đang thực sự quyết tâm tái cơ cấu để giải quyết những khó khăn còn tồn đọng, trong đó chủ yếu là Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Dự án này đã trở thành gánh nặng cho Tisco khi chìm trong thua lỗ vì chi phí tài chính lớn.

Liên quan đến dự án này, Bộ Công Thương đã chính thức lên phương án xử lý với3 phương án. Cụ thể,phương án 1: Bán Dự án; Phương án 2: Kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án và Phương án 3: Thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu Tisco.

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố về tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi…, Bộ đề xuất lựa chọn phương án 3 là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Tisco.

Với Tisco, các khoản nợ mà công ty phải gánh vẫn ở mức cao lên đến hơn 8.362 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 4.446 tỉ đồng, nợ dài hạn là hơn 3.916 tỉ đồng.

Với Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, hợp đồng tín dụng mà Tisco ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) quy định từ 1.1.2017, chủ đầu tư Tiscosẽ phải bắt đầu trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng (năm 2017-2018), số tiền phải trả nợ khoảng 45,5 tỉ đồng/tháng.

Hiện nay, dự án này chưa hoàn thành và đi vào hoạt động nên chưa tạo được nguồn trả nợ, do vậy Tisco đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng tiếp tục cho gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay; thời gian rút vốn phù hợp với tiến độ của dự án để tạo điều kiện cho công ty tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng. Tính đến ngày 31.12.2016, tổng số vốn đã giải ngân cho Dự án mở rộng giai đoạn 2 là 4.563 tỉ đồng.

Theo kế hoạch đề ra, dự án này sẽ khởi công từ 1.4.2016 đến 1.10.2017 hoàn thành và đưa vào sản xuất. Tuy nhiênđến thời điểm nàydự án chưa đủ điều kiện để tái khởi động lại.

Về phía Tisco, từ quý 3/2016 đơn vị này đã thoát lỗ lũy kế và có lãi trở lại nênviệc thoái vốn nhà nước tại công ty cũng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Tuyết Nhung

tuyetnhung