Doanh nghiệp xăng dầu cần 'tự bơi' theo cơ chế thị trường
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:42, 22/05/2017
Thị trườngbị động, bất cập cơ chế xin-cho
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng hiện nay thị trường xăng dầu Việt Nam đang thiếu tính cạnh tranh, các công ty xăng dầu chỉ thống nhất một giá, không phù hợp với cơ chế thị trường. Trong khi đó, Nhà nước lại can thiệpsâu vào giá cả, khiến thị trường xăng dầu trong nước không theo kịp diễn biến thị trường thế giới.
"Thị trường xăng dầu đã thực sự là thị trường chưa khi không có sự cạnh tranh về giá?... cơ chế xin-cho nhiều, quỹ bình ổn hoạt động chưa hợp lý" TS Doanh đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng bày tỏ lo ngại về việc Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào thị trường xăng dầu, khiến thị trường xăng dầu thực tế chưa phải là thị trường, thị trường nửa vời do điều tiết Nhà nước chưa mang tính cạnh tranh.
"Vai trò điều hành của Nhà nước vẫn nặng hơn thị trường. Trong toàn bộ cơ cấu giá, gần như mọi quyền hạn đều nằm ngoài tầm tay của doanh nghiệp", ông Thỏa cho hay.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng để ổn định hệ thống xăng dầu trong nước, Nhà nước đã có sự lưu tâm tới tính đặc thù của ngành này. Tuy nhiên khi hội nhập, nếu vẫn giữ xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chỉ cho phép một số đơn vị nhập khẩu và kinh doanhthì sẽ làm nảy sinh một số vấn đề.
Cụ thể là sẽ dẫn tới tình trạng buôn lậu biên giới, không tận dụng được cơ hội và nguồn lực xã hội có thể đưa vào để nâng cao hiệu quả kinh doanh xăng dầu. Trong thời gian vừa qua, dư luận cho rằng xăng dầu lên giá thì nhanh, còn giảm giá thì chậm và nhỏ giọt. Theo đó, bài toán ở đây chính là giải quyết hài hòagiữa lợi ích nền kinh tế và xu hướng hội nhập.
Chủ động mở cửa, nước ngoài đã làm
Theo ông Phạm Tất Thắng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều lĩnh vực càng cố giữ thì càng không giữ được, mà còn bị mở cửa một cách thụ động. Vì vậy cần phải có lộ trình mở cửa chủ động với nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, đảm bảo theo xu thế chung của hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó là phải cổ phần hoá một cách nhanh chóng các đơn vị, tổng công ty kinh doanh xăng dầu để các đơn vị này sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Hiện nay trên thế giới, các nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, các nước Tây Âu, đã đưa ra chất lượng xăng dầu ở mức cao lên tới Euro 10, trong khi Việt Nam hiện đang sử dụng Euro 2, năm 2018 đưa vào sử dụng Euro 3, Euro 4. Đây là thách thức không nhỏ đối với thị trường xăng dầu của Việt Nam.
Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì cho rằng mở cửa thị trường xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, song cũng phải khảo sát cơ chế hình thành thị trường cạnh tranh, điều tiết giá. Nhà nước phải làm thế nào để doanh nghiệp có thể tự quyết định giá và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
"Cạnh tranh có định hướng là cho tư nhân phát triển, dùng cơ chế thị trường lựa chọn làm sao để các đơn vị kinh doanh đều có thể tham gia. Còn quỹ bình ổn nên chuyển sang Kho bạc Nhà nước, dưới sự điều tiết của Bộ Tài chính, không nên để ở doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng tiền ở đây", ông Tuyển đề nghị.
Trong khi đó trên thị trường thế giới, nhiều nước đã chủ động mở cửa thị trường xăng dầu cho "đại gia" ngoại vào. Cụ thể là Mexico, vào tháng 8.2014, lần đầu tiên sau gần 80 năm, quốc gia này đã mở cửa cho các công ty nước ngoài để phát triển ngành dầu khí.
Tại Trung Đông, sau khi được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, Iran đang ra sức kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng nội địa.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á, Indonesia từ lâu đã cho phép các hãng năng lượng nước ngoài kinh doanh xăng dầu trong nước. Một quốc gia Đông Nam Á khác là Myanmar cũng khá "cởi mở" với các trạm xăng của công ty nước ngoài. Sau nhiều thập kỷ đóng cửa khiến nền kinh tế trì trệ, Myanmar đang thực hiện hàng loạt chính sách thu hút đầu tư.
DN ngoại vào, thị trường sẽ mở cửa sớm
Trong năm 2016, thông tin về Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 lên kế hoạch tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam với mục tiêu phân phối các sản phẩm dầu khí, đang được kỳ vọng sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu Việt Nam.
Cụ thể, Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 được thành lập dựa trên liên doanh giữa Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản và Công ty dầu khí quốc tế Kuwait KPI.
Công ty này tham gia đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Đồng thời, sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động năm 2017.
Được biết từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp nước ngoài được phép tham gia bán lẻ xăng dầu, nằm trong nội dung cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư khi thực hiện dự án lọc hóadầu Nghi Sơn.
Trước sự kiện này, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là "bước đệm" để Việt Nam tiến tới mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn dự kiến. Theo đó, Nhà nước cần phải có kế hoạch, chuẩn bị chiến lược mở cửa thị trường một cách cụ thể, đơn cử như việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước về chênh lệch thuế nhập khẩu và các cơ chế khác.
Tuyết Nhung